MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ cháy xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hoà, Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nên tôn trọng thiết kế của nhà sản xuất để tránh cháy xe

Minh Hạnh LDO | 17/04/2023 19:55
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe gây thiệt hại về tài sản và sức khoẻ, tính mạng. Các chuyên gia khuyến cáo các chủ phương tiện nên tôn trọng thiết kế của nhà sản xuất và bảo dưỡng định kỳ.

Khoảng 17 giờ 45 ngày 2.12.2022, lái xe Trần Văn M. (31 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) đang điều khiển xe mang biển số 88A - 359.XX trên đường Phạm Hùng (P.Mỹ Đình 1, Q.Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) thấy khói bốc lên từ phần đầu xe đã dừng lại.

Anh M hô hoán mọi người dập lửa nhưng bất thành, vụ cháy khiến phần đầu máy xe và một phần nội thất bị thiêu rụi.

Tiếp đến vào khoảng 14 giờ ngày 13.4.2023, ông Trần Hùng C… điều khiển ôtô BS 51F - 832.XX, khi chạy đến Km 288 + 500 trên QL20, ôtô bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Mới đây nhất, sáng 16.4 tại đường vành đai 3 trên cao (đoạn qua quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hướng từ cầu Mai Dịch đi cầu Thăng Long) đã xảy ra vụ cháy ôtô 5 chỗ ngồi.

Khi phát hiện sự việc lái xe đã kịp đỗ ôtô vào làn dừng xe khẩn cấp và thoát ra bên ngoài.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS.TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Viện phó Viện Khoa học hình sự cho biết, cháy xe có rất nhiều nguyên nhân như: Rò rỉ nhiên liệu, hỏng thiết bị điện, chất lượng nhiên liệu, bảo dưỡng không đúng quy trình, bộ phận chuyển đổi xúc tác quá nóng, động cơ…

Mỗi vụ cháy đều có nguyên nhân khác nhau nhưng thường do 2 nguyên nhân chính là động cơ và nhiên liệu. Quan trọng nhất là hỗn hợp cháy có tiếp xúc với tia lửa điện hay không, hỗn hợp hơi của nhiên liệu tiếp xúc với tia lửa điện sẽ dẫn đến cháy.

Liên quan đến vấn đề này, kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch cho rằng, cháy có 2 yếu tố chính là nguồn lửa và vật liệu. Nguồn lửa thường xuất phát từ nguồn điện dẫn đến chập cháy hoặc quá tải.

Theo kỹ sư Tạch, rất nhiều người khi mua xe mới về thường độ một số thiết bị như còi, đèn, âm thanh, camera… nhưng nhiều thợ không có kỹ năng và tay nghề cao, trong khi các phương tiện lại rất hiện đại nên không đánh giá được hết các nguy cơ rủi ro khi vận hành của phương tiện.

Rất nhiều thợ khi lắp, độ thiết bị cho phương tiện chỉ biết có nguồn điện nên đã chích dây để câu nối dẫn đến nguồn quá tải hoặc sau quá trình sử dụng bị ôxi hoá, cọ xát tạo ra mô ve gặp các nguồn dễ cháy đã tạo tia lửa điện và bốc cháy.

“Mỗi một dây diện chỉ chịu tải được nhất định. Khi nguồn dây bị cọ xát hoặc quá tải sẽ nóng toàn bộ tạo ra nguồn nhiệt và tự bốc cháy rất nhanh”, kỹ sư Tạch nói.

Theo đó, chuyên gia khuyến cáo các chủ xe nên tôn trọng các thiết kế của nhà sản xuất.

Nếu muốn cải thiện về ánh, âm thanh… nên đến các trung tâm có uy tín, am hiểu về khả năng độ, chế. Cùng đó, các phương tiện có nhiều hệ thống phức tạp nên cần tuân thủ các quy trình về bảo dưỡng định kỳ để tránh những rủi ro không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn