MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên và không nên làm gì khi đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng

LAN NHƯ (Theo THE WALL STREET JOURNAL) LDO | 20/04/2021 16:00

Đàm phán lương là một nghệ thuật. Có những kỹ thuật đã được chứng minh mà bạn có thể áp dụng để đạt được mức lương mình muốn. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia giúp bạn có buổi đàm phán lương thành công với nhà tuyển dụng.

Tìm hiểu mức lương của vị trí bạn ứng tuyển Nghiên cứu xem kinh nghiệm và kỹ năng của bạn được đánh giá như thế nào trong ngành mà bạn đã nộp đơn xin việc. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu về mức lương trung bình thông qua những thông tin có sẵn trên mạng hoặc bằng cách trao đổi với những nhân lực đã và đang làm trong ngành này.

Đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng là một nghệ thuật. Ảnh minh họa: LĐO

Xây dựng mối quan hệ với người mà bạn đàm phán

Luis Rueda - cựu đặc nhiệm của Cục Tình báo Mỹ - khuyên rằng bạn nên tìm hiểu kỹ người mà bạn sẽ đàm phán trước khi cuộc đàm phán lương bắt đầu.

Vào ngày thương lượng tiền lương, hãy cố gắng quan sát văn phòng của nhà tuyển dụng hoặc nền của cuộc gọi điện video nếu bạn đang trao đổi online. Nếu họ có ảnh của một đứa trẻ cùng tuổi với con bạn, hãy đề cập đến điểm chung này. Còn nếu nhà tuyển dụng là một người ưa thích thể thao hay du lịch, bạn có thể trò chuyện về những chủ đề đó để làm thân với họ.

Đừng là người đề xuất mức lương trước

Tessa White, một cố vấn định hướng nghề nghiệp chia sẻ: "Nếu bạn đề xuất con số trước nhà tuyển dụng, bạn đang chống lại chính mình, vì có thể nhà tuyển dụng sẽ đưa ra mức lương cao hơn những gì bạn đề xuất".

Nếu nhà tuyển dụng hỏi trực tiếp bạn muốn bao nhiêu tiền, hãy trả lời bằng cách hỏi ngân sách cho vai trò này là bao nhiêu. Trong mọi trường hợp, hãy đợi nhà tuyển dụng nói một số trước. Nếu con số thấp hơn những gì bạn mong đợi, bạn luôn có thể đưa ra đề nghị ngược lại.

Đừng tập trung hoàn toàn vào mức lương khi bạn thương lượng

Nhiều người chỉ thương lượng về lương và thưởng, nhưng đó là một sai lầm. Hãy cân nhắc nhiều yếu tố khác của công việc có thể được thương lượng. Ví dụ, nếu bạn hiện đang tự trả bảo hiểm y tế của mình, hãy hỏi xem công ty có thể hoàn trả những chi phí đó cho đến khi quyền lợi mới của bạn có hiệu lực không, hoặc bạn có được làm việc từ xa hay có nhiều thời gian nghỉ không? Hãy tìm hiểu những điều khoản của công ty để bạn có thể ưu tiên những điều khoản nào quan trọng nhất đối với bạn.

Hãy đưa ra các yêu cầu cùng một lúc

Tiến sĩ Hamaria Crockett, một huấn luyện viên nghề nghiệp của công ty tư vấn tổ chức Korn Ferry, nói rằng tốt nhất nên tránh đàm phán từng điều khoản một cách chắp vá.

Nếu bạn định điều chỉnh điều khoản nào đó của công việc, hãy phân các yêu cầu của bạn thành các nhóm cứng rắn và mềm mỏng. Những vấn đề như tiền lương, thưởng nên được thương lượng cùng với nhau theo nhóm yêu cầu cứng rắn. Khi bạn đã đạt được thỏa thuận về những điều khoản đó, hãy chuyển sang những yêu cầu nhẹ nhàng hơn như thời gian nghỉ phép, công việc linh hoạt…

Nói rõ việc tuyển dụng bạn sẽ làm cho công ty tốt hơn như thế nào

Khi bạn đàm phán với ai đó, bạn cần trình bày chi tiết về việc tuyển dụng bạn sẽ mang lại lợi ích cho nhà tuyển dụng. Ông Rueda khuyến nghị nên nhấn mạnh những lợi ích này cả khi bắt đầu và kết thúc cuộc đàm phán lương.

Đừng phóng đại

Một phần của nghệ thuật đàm phán tiền lương là xây dựng lòng tin, nếu bạn phóng đại trình độ của mình, rất có thể nhà tuyển dụng sẽ nhận ra. Điều đó chỉ cản trở việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Ông Rueda nói: "Hãy trung thực và cố gắng đạt được sự cân bằng giữa mức lương mong muốn và khả năng thực sự của mình".

Đừng đưa ra tối hậu thư

Nếu bạn được nhận nhưng những điều khoản không như những gì bạn mong muốn. Bạn không nên đàm phán theo kiểu đánh cược "một mất một còn". Thay vì thế, bằng giọng điệu lịch sự và chuyên nghiệp, hãy truyền tải sự biết ơn khi bạn trúng tuyển và dò hỏi lí do để có thể chắc chắn công việc này sẽ tốt hơn công việc hiện tại. Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn sẽ phải từ bỏ những gì (lương bổng hoặc lợi ích cá nhân) nếu rời bỏ cương vị hiện tại trong cùng lĩnh vực bằng những ví dụ và dẫn chứng cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn