MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nếu 1.7.2023 mới tăng lương cơ sở là quá muộn!

Bảo Hân LDO | 29/10/2022 07:26

“Nghe nói tăng lương cơ sở thì mừng lắm, nhưng nếu đến 1.7.2023 mới tăng thì quá lâu, rất nhiều người khó chờ đợi được, họ lại tiếp tục bỏ việc kiếm nghề khác thôi”.

Bạn đọc Huy Lục Quang sau khi đọc rất nhiều bài viết của Báo Lao Động về vấn đề tăng lương cơ sở đã gửi bình luận như trên. 

Bạn đọc này cho biết thêm, anh là cán bộ xã hơn 10 năm, nhưng lương chỉ có 4,2 triệu đồng/tháng, cuộc sống rất khó khăn, không đủ để trang trải cho gia đình. 

Cùng ý kiến về thời điểm tăng lương, bạn đọc Hùng Hứa cho rằng, tăng từ ngày 1.1.2023 mới thoả lòng mong đợi của của người dân. “Đã 3 năm không được tăng lương cơ sở; đồng lương hiện tại không đủ sống khi giá cả tăng” - bạn đọc này cảm thán. 

Bạn đọc Lâm Lê phân tích: Bao nhiêu năm nay, cán bộ, công chức, viên chức đã chia sẻ khó khăn cùng với Nhà nước, chịu cuộc sống khổ cực; giờ kinh tế phục hồi thì phải tăng lương ngay. 

“Từ giờ tới 1.7.2023, có biết bao nhiêu người phải nghỉ hưu. Nếu không tăng lương ngay thì sẽ ảnh hưởng tới mức thu nhập của họ khi về hưu” - bạn đọc bày tỏ.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận về ngân sách, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến nhận thấy Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu (tăng khoảng 20%), thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2023, như vậy từ lúc tăng lương từ tháng 7.2019 đến tháng 7.2023 là 4 năm. 

Điều này dẫn đến người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức kể cả cấp xã.

Do vậy, theo tổng hợp của tổng thư ký Quốc hội từ 11 ý kiến của đại biểu, hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1.1.2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. 

Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mức lương cơ sở theo Nghị định 66 được bắt đầu áp dụng từ 1.7.2013. Sau đó, định kỳ hàng năm, Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, các điều kiện khác để điều chỉnh. Hầu hết các Nghị định về lương cơ sở trước đây đều bắt đầu áp dụng từ 1.7.  

Ông Quảng cho rằng, trước đây, lương cơ sở được điều chỉnh định kỳ hàng năm, còn 3 năm qua chưa điều chỉnh lương cơ sở, nên lần tới cần điều chỉnh mức lương cơ sở như thông lệ đối với mức lương tối thiểu, tức vào thời điểm đầu năm. 

“Tôi nghĩ lần này nên điều chỉnh từ ngày 1.1.2023 thay vì từ 1.7.2023, điều chỉnh càng sớm càng tốt vì đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đang gặp rất nhiều khó khăn. Họ đã chờ đợi quá lâu việc tăng lương” – ông Quảng phân tích.  

Theo Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, hiện đã đủ điều kiện để điều chỉnh lương cơ sở từ đầu năm 2023. Ngoài ra, ông Quảng cho rằng, tăng lương cơ sở từ 1.1.2023 thì sẽ trở thành tiền lệ cho những năm sau, thuận lợi cho xây dựng kế hoạch về tài chính, ngân sách…  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn