MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Trương Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng nếu có đột phá thi cử, chắc chắn sẽ làm thay đổi "số phận" môn Lịch sử.Ảnh: NVCC

Nếu có đột phá thi cử, chắc chắn sẽ làm thay đổi "số phận" môn Lịch sử

Tường Vân LDO | 27/07/2021 08:51

Trong nhiều năm trở lại đây, Lịch sử luôn là môn học có kết quả thi thấp nhất. Là giáo viên dạy lớp 12 lâu năm, cô Trương Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ sự băn khoăn với thành tích "bét bảng" của môn học này.

Dù "bét bảng" nhưng không phản ánh chất lượng dạy học hiện nay

Căn cứ vào phổ điểm 9 môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, cô Trương Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét:

"Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn Lịch sử hiện đang thấp nhất trong 9 môn thi. Với 48% điểm số trên trung bình (TB), phổ điểm năm nay cao hơn năm 2019 (30% trên TB) nhưng lại thấp hơn năm 2020 (53% trên TB). Nhìn chung, kết quả này vẫn thấp một cách đáng buồn đối với yêu cầu của một kỳ thi xét tốt nghiệp phổ thông.

Phổ điểm môn Lịch sử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Dù vậy, phổ điểm này không hề gây bất ngờ trong bối cảnh dạy học năm nay. Thậm chí, nhiều giáo viên còn cho rằng đó là điều hiển nhiên bởi đề thi chỉ kiểm tra kiến thức tỉ mỉ, cụ thể và giáo viên dạy lớp 12 buộc phải từ bỏ dạy học sáng tạo để quay về cách dạy học nhồi nhét kiến thức".

Thừa nhận trong nhiều năm qua, môn Lịch sử luôn có điểm trung bình kém nhất trong số các môn, nhưng cô Trương Thu khẳng định kết quả này không hoàn toàn phản ánh đúng chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở Việt Nam.

"Không thể kết luận đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử ở nước ta kém nhất so với các môn khác. Càng không thể nói học sinh học môn Lịch sử dốt nhất trong số các môn đó" - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ.

Giải thích rõ hơn về điều này, cô Thu cho rằng trong một thời lượng quá ít người thầy phải cố gắng truyền đạt cho hết toàn bộ nội dung Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới của chương trình Lịch sử lớp 12. Còn trò cũng phải nỗ lực "tiêu hóa" khối lượng kiến thức, sự kiện lịch sử đồ sộ để hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kết quả là, môn Sử lại rơi vào vòng luẩn quẩn: thầy dạy nhồi nhét kiến thức lý thuyết, truyền thụ một chiều, học trò chán học, kết quả kém.

Nếu có đột phá thi cử, chắc chắn sẽ làm thay đổi số phận môn Lịch sử

"Môn Lịch sử vốn dĩ là văn hóa, là truyền thống và là bản sắc của một dân tộc. Hiện nay, bản sắc văn hóa đó đang góp phần vào việc xây dựng đất nước, xóa bỏ đói nghèo, dịch bệnh, gian nguy và bồi đắp truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết… Đó là một phần tuyệt vời của việc dạy và học Lịch sử.

Một kỳ thi tốt nghiệp THPT nên hướng đến việc kiểm tra những năng lực nhận thức về quy luật phát triển của dân tộc, của thế giới, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào của các bạn trẻ. Lịch sử cần bước vào cuộc sống chứ không phải chỉ là những sự kiện quá xa xưa, tách biệt và vô hồn" - giáo viên trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra quan điểm.

Nhận định về đề thi trong nhiều năm qua, cô Thu cho rằng, việc ra đề thi đang bị tụt hậu so với việc đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất mà Nghị quyết 29 của chính phủ đã ban hành và đang được toàn ngành giáo dục hưởng ứng.

Còn về phía người dạy và người học, luôn mong đợi một kỳ thi mà dù dưới hình thức tự luận hay trắc nghiệm khách quan đều có một tư duy đổi mới thực sự. Ở đó người học thể hiện được cả sự am hiểu, năng lực và phẩm chất trong lĩnh vực Lịch sử của mình.

"Chừng nào chúng ta vẫn còn ra đề theo cách kiểm tra kiến thức vụn vặt, “tầm chương trích cú” như hiện nay thì học sinh vẫn sẽ chán ghét môn Lịch sử và kết quả sẽ vẫn còn thấp"- Cô Thu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn