MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ. Ảnh Huyên Nguyễn.

Nếu giảm tải chương trình cần có hướng dẫn sớm

Nguyễn Văn Lực LDO | 27/03/2020 18:17
Với khung điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học (lần hai) của Bộ, kết thúc năm học vào ngày 15.7 và thi tốt nghiệp THPT vào ngày 8 đến ngày 11.8, nên quỹ thời gian học còn lại để học sinh hoàn thành chương trình nhất là học sinh khối lớp 12 là tương đối ít (mười bốn tuần). 

Chính điều này mới dẫn đến ý kiến nên giảm môn thi tổ hợp như đề nghị của thầy Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang đề xuất bỏ bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội ở kỳ thi THPT quốc gia 2020, vì nếu thi như mọi năm sẽ tạo áp lực rất lớn cho học sinh và nhà trường trong bối cảnh đại dịch" và cũng có ý kiến đề xuất nên xét tốt nghiệp THPT…

Vậy ý kiến của Bộ như thế nào về những đề xuất này? Ngày 17.3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng “Trong điều kiện hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2019. Kết quả kỳ thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương và làm cơ sở tuyển sinh đại học, tuyển vào trường nghề.”

Nhằm chuẩn bị tốt cho kì thi này hiện nay nhiều thầy cô giáo và học sinh đang trông chờ hướng dẫn giảm tải chương trình của Bộ GD- ĐT để trên cơ sở đó nhà trường xây dựng lại kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp với thời gian còn lại nhất là chọn lọc nội dung dạy để học sinh chuẩn bị tốt kiến thức bước vào kỳ thi tuyển sinh đối với lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.

Việc thực hiện giảm tải chương trình là điều tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay tuy vậy không sao tránh khỏi lo lắng của thầy cô, học sinh đó là chương trình sẽ giảm tải phần nào, kiến thức gì, Bộ nên sớm có hướng dẫn cụ thể để thầy cô chủ động trong việc dạy học. Hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước thầy cô thực hiện dạy học trên Internet, truyền hình… trong thời gian học sinh nghỉ học chống dịch rất băn khoăn không biết những nội dung đã ôn tập dã dạy kiến thức mới có nằm trong phần giảm tải không để khỏi bị “thừa”. Theo cá nhân tôi xin chia sẻ ý kiến sau:

Về pháp lý, việc giảm tải chương trình cần thực hiện thống nhất trên cả nước vì chúng ta đang thực hiện một chương trình - một bộ sách giáo khoa nên việc này rất thuận lợi. Bộ GDĐT cần có chủ trương giảm tải theo yêu cầu của Thủ tướng đó là: “Bộ GDĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập…” Đây là cơ sở pháp lý để Bộ GDĐT thực hiện việc tinh giảm nội dung chương trình từ lớp 1 đến lớp 12.

Về nguyên tắc giảm tải, nên giảm tải số tiết học trong học kì hai sao cho phù hợp với thời gian thực học còn lại của học sinh (mười bốn tuần) không nên cắt giảm máy móc, cơ học, phải đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình theo qui định của Luật giáo dục, đảm bảo tính lô gic của kiến thức…

Về nội dung giảm tải, là điều quan trọng nhất nhằm giúp học sinh không bị mất kiến thức cơ bản, trọng tâm đồng thời tránh để học sinh bị thiệt thòi, thiếu công bằng, khó liên thông giữa các kiến thức/khối lớp/cấp học khi học sinh học nối tiếp lên.. Cụ thể, giảm tải những nội dung trùng lắp trong chương trình, sách giáo khoa của nhiều môn học khác nhau. Những nội dung, bài tập, câu hỏi vận dụng kiến thức quá khó không phù hợp với trình độ, nhận thức của học sinh…

Nên chăng Bộ GDĐT nhanh chóng thành lập Hội đồng giảm tải gồm những tác giả biên soạn chương trình, sách giáo khoa, chuyên gia giáo dục và thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy…chịu trách nhiệm xem xét định lượng lại chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt được mà vẫn đảm bảo được mục tiêu day - học - thi trong bối cảnh tình hình hiện nay.

Về đề thi cần phải bám sát chương trình dạy học thực tế tránh ra phần kiến thức đã được giảm tải, thực hiện theo nguyên tắc “thi gì học nấy” giúp giảm áp lực căng thẳng trong học hành thi cử cho học sinh trong mùa dịch bệnh. Riêng đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập thì tùy vào tình hình cụ thể từng địa phương nhất là chỉ tiêu tuyển sinh nên thực hiện xét tuyển hoặc thi tuyển cho phù hợp. Nếu trường có chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 bằng hoặc lớn hơn số lượng thí sinh đăng ký thì nên tổ chức xét tuyển là phù hợp, chỉ nên thi tuyển đối với các trường THPT chuyên cho học sinh có nhu cầu là hợp lý giúp tránh áp lực, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho tổ chức thi tuyển đại trà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn