MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngại cò môi giới việc làm, người lao động đến khu công nghiệp tìm việc

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/02/2023 06:47
Thay vì tìm việc trên mạng xã hội, người lao động đến các bảng thông báo tuyển dụng tại khu công nghiệp. Việc này giúp họ tránh mất thêm chi phí tìm việc làm

Tự tìm việc vừa đỡ tốn tiền, vừa đa dạng lựa chọn

Tại các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… không thiếu hội, nhóm công nhân khu công nghiệp như: Hội công nhân khu công nghiệp Thăng Long, Hội công nhân Mê Linh - Vĩnh Phúc, Việc làm công nhân… Những hội, nhóm như vậy vừa là nơi để công nhân giao lưu, kết bạn vừa giúp họ tìm kiếm công việc.

Cũng không khó để thấy các thông báo tuyển dụng trên các hội, nhóm này như: Tuyển nữ thời vụ đi làm luôn, không qua phỏng vấn tại Khu công nghiệp Thăng Long, thu nhập 6-8 triệu đồng; Công ty FCC Nhật Bản tuyển dụng thêm công nhân nam chính thức, lương cao, làm thêm nhiều... 

Không ít thông báo tuyển dụng công nhân tại các hội nhóm. Ảnh: Chụp màn hình

Tuy nhiên, từng rơi vào cảnh mất tiền oan vì tin môi giới công việc, chị H.T.T không còn tìm đến các hội, nhóm này.

Nhớ lại năm 2018, chị T từ Hà Giang xuống Hà Nội tìm việc làm. Không người quen, không họ hàng thân thích, chị T tham gia các hội, nhóm công nhân với hy vọng tìm được việc làm với mức lương ổn định, trang trải cuộc sống.

“Tôi tham gia vào nhóm công nhân và bình luận vào một nhóm tuyển dụng công nhân chính thức với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tôi tiếp tục được một người có nick Zalo “Việc làm Thăng Long” cho tham gia vào một nhóm Zalo khác. Người này yêu cầu chúng tôi gửi ảnh chụp Chứng minh nhân dân vào trong nhóm” - chị T nhớ lại.

Theo chị T, chị phải đóng phí môi giới là 200.000 đồng mới được giới thiệu việc làm. “Khát” việc, chị đành chấp nhận tiêu tốn 200.000 đồng để được phỏng vấn tại các công ty trong khu công nghiệp.

Sau khi phỏng vấn và vào làm việc trong một công ty sản xuất linh kiện nhựa, chị T không thể trụ lại vì áp lực và lương thấp, chị xin nghỉ việc.

“Làm công nhân lâu tôi mới biết mình mất oan 200.000 đồng. Thay vì tìm đến cò môi giới thì tự tìm việc vừa đỡ tốn tiền, vừa có đa dạng lựa chọn hơn” - chị T cho hay.

Lo tìm công việc phù hợp

Chị Phương đã có mặt tại Hà Nội tìm kiếm việc làm vào mùng 8 Tết Âm lịch. Ảnh: Hạnh Hương

Có mặt ở bảng tuyển dụng Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Phương (sinh năm 2001, Hạ Hòa, Phú Thọ) cũng đang tìm kiếm việc làm.

Đã có 3 năm kinh nghiệm làm công nhân tại đây, chị Phương không còn lạ với những chiêu trò móc túi người lao động của "cò" môi giới việc làm. Đó là lý do chị có mặt tại bảng tuyển dụng, tự lựa chọn công ty chị sẽ gửi hồ sơ xin việc.

Trước đó, tháng 10.2022, chị Phương sinh em bé và xin nghỉ việc tại công ty cũ để có thời gian ở nhà chăm con. Đến nay khi con chị được 11 tháng tuổi, đã cai sữa mẹ, chị quay trở lại khu công nghiệp, tìm việc.

"Năm mới, tôi hy vọng tìm được công ty cho công nhân tăng ca nhiều, lương khoảng 8-9 triệu đồng/tháng để gửi về cho ông bà ngoại chăm con" - chị Phương tâm sự.

Song chị Phương khá trăn trở vì số lượng tuyển dụng ít, trong khi người tìm việc lại nhiều phần nào giảm đi cơ hội xin việc của bản thân.

"Hầu hết công nhân đều làm việc đến qua Tết để nhận thưởng Tết. Thời điểm đầu năm là lúc họ viết đơn xin nghỉ việc, tìm công việc mới. Tôi cũng đang lo không biết có tìm được công việc phù hợp không" - chị Phương cho hay.

Theo báo cáo mới nhất LĐLĐ TP.Hà Nội, tính đến ngày 30.1.2023 đã có hơn 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với trên 97,8% số công nhân lao động trở lại làm việc. So với mọi năm, hiện tượng chuyển việc đã giảm nhiều nên các doanh nghiệp không còn rơi vào tình trạng phải lo lắng vì thiếu hụt lao động. Chính vì vậy, các công ty đăng thông báo tuyển công nhân với số lượng khá ít.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn