MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(Hình minh họa)

Ngăn chặn ngay bạo lực học đường ám mùi “xã hội đen”

LÊ PHI LONG LDO | 18/05/2022 09:03

Bạo lực học đường - một vấn đề nhức nhối không chỉ của nhà trường, gia đình mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Hãy lưu ý đến các con số dưới đây: Bộ GDĐT vừa đưa ra số liệu thống kê, gần đây trên cả nước trung bình có khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học xảy ra trong một ngày; trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ; cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Đây là những con số rất đáng lo ngại.

Lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Điều đáng buồn là, tình trạng bạo lực học đường không mới, thậm chí là… rất cũ; gây bức xúc cho nhà trường, gia đình và xã hội, tuy nhiên nó không có chiều hướng giảm mà lại gia tăng. Thậm chí tính chất phức tạp lại tăng lên khi các em gây thương tích cho nhau rồi còn quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác, uy hiếp về mặt tinh thần, ám mùi “xã hội đen”.

Gần đây nhất là một sự việc một nhóm gồm 3 em học sinh nữ đánh 1 học sinh nữ khác cùng học tại trường THCS Chi Lăng (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) rồi tung clip lên mạng xã hội.

Hay những hình ảnh dài khoảng 3 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. Các nữ sinh đã lao vào đánh, giật tóc, bắt quỳ, xé áo kèm những lời hăm dọa, chửi bới một nữ sinh khác đã gây sốc cho mọi người.

Thậm chí trước đó, một nhóm thiếu niên 16 tuổi đến trước cổng Trường THCS Nguyễn Du (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) chờ sẵn. Khi em H - một học sinh lớp 9 của trường vừa kết thúc buổi học, ra cổng trường thì cả nhóm lao vào đánh hội đồng, một em rút dao thủ sẵn trong người ra và đâm em H tử vong.

Những thông tin trên rất “sốc” và rất buồn.

Lý giải về mặt khoa học, theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, ở tuổi dậy thì, chuyện xảy ra có nhiều lý do khác nhau liên quan đến đặc trưng khác biệt về tâm lý của lứa tuổi này, như muốn nổi trội, muốn khẳng định mình...

Theo các cơ quan chức năng, lý do dẫn đến bạo lực học đường phần lớn đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, trong khi đi học hay mâu thuẫn trên mạng xã hội hoặc từ sự kích động của bạn bè.

Nguyên nhân của tình trạng này cũng đã được mổ xẻ, phân tích rất nhiều tại nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo của Bộ GDĐT và thời gian qua. Tuy nhiên vẫn chưa ngăn chặn được, thậm chí mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng và thực sự trở thành vấn đề nhức nhối đáng báo động.

Vì lý do gì đi nữa, nạn bạo lực học đường cần phải được chấm dứt, trả lại môi trường giáo dục sạch, để các em phát triển được toàn diện, tạo tiền đề cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Muốn vậy, nếu để xảy ra bạo lực trong các nhà trường thì cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, theo luật pháp để bảo đảm tính răn đe, giáo dục; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục trong lành và thân thiện. 

Nhà trường cũng nên giảm bớt áp lực về thi cử, điểm số, thành tích; chú trọng hơn vào các hoạt động hướng đến sự trải nghiệm giá trị sống tích cực hơn.

Hãy làm sao để mỗi ngày các em đến trường thực sự là ngày vui.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn