MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trạm thu phí BOT mọc lên "như nấm" đang làm méo mó việc xã hội hóa lĩnh vực giao thông (ảnh minh họa)

Ngăn chặn tình trạng biến tướng của hoạt động xã hội hóa

Vĩnh Linh LDO | 22/03/2016 08:28
Thời gian gần đây, thuật ngữ xã hội hóa xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều ở ngành, lĩnh vực. Đâu đâu cũng thực hiện xã hội hóa, nào là xã hội trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, công chứng, đấu giá... Có thể nói, việc xã hội hóa ở một số ngành, lĩnh vực đã mang lại kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, theo đó đã giảm được gánh nặng về kinh phí, biên chế và nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các lĩnh vực này.

Ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực... việc xã hội hóa đã bị biến tướng theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Núp bóng dưới “chiêu bài” xã hội hóa nhiều cá nhân, tổ chức đã hợp thức hóa các hành vi tiêu cực, tham nhũng nhằm trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm.

Ví dụ, lĩnh vực giáo dục, đào tạo là một trong những lĩnh vực được xã hội rất coi trọng, tôn vinh và quan tâm tạo mọi điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong lĩnh vực này ở rất nhiều nơi bị người dân và dư luận phản đối gay gắt. Đó là việc các trường học dưới danh nghĩa xã hội hóa đã huy động sự đóng góp với số tiền rất lớn gây ra gánh nặng cho học sinh và gia đình. Điều này gây bức xúc không những cho phụ huynh học sinh mà cả xã hội khi chi phí cho việc học hành của con em quá lớn, quá khả năng của nhiều gia đình.

Hay như trong xã hội hóa việc làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng... theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì rất nhiều nơi lợi dụng chính sách xã hội hóa mà buộc người dân, doanh nghiệp đóng góp những khoản tiền lớn, vượt sức chịu đựng của họ, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn...

Điều đáng nói ở đây là tuy nguồn đóng góp lớn, nhưng việc thanh quyết toán khá dễ dàng, thậm chí không cần hóa đơn chứng từ và không chịu sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Do đó, tình trạng cố ý làm trái, tham ô, bớt xén từ các nguồn xã hội hóa là rất dễ xảy ra mà hầu như không bị phát hiện, xử lý. Cùng lắm thì trả lại khoản tiền đã chiếm đoạt!

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chính sách xã hội hóa để huy động đóng góp của người dân trái quy định, hoặc đưa ra các khoản đóng góp lớn, bất hợp lý. Đồng thời, cần có biện pháp quản lý đối với hoạt động này như đưa ra các tiêu chuẩn, quy định cụ thể đối với hoạt động xã hội hóa trong từng ngành, lĩnh vực của xã hội.

Vĩnh Linh (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn