MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày 8.3 xa xỉ của những nữ lao động nghèo

Hoài Trang LDO | 08/03/2021 11:06
Quốc tế Phụ nữ 8.3 - ngày cả thế giới hướng về phái đẹp, nhưng khuất sau hình ảnh đẹp được tôn vinh vẫn còn những mảnh đời, phụ nữ lam lũ mưu sinh từng ngày. Với họ, ngày 8.3 thật xa xỉ, ngày này họ chỉ cần có sức khỏe để được lao động.

Mong ngày 8.3 trôi qua thật nhanh

Những ngày đầu tháng 3, cơn mưa đầu xuân càng trở nên nặng hạt. Trời về khuya, khu chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) tấp nập từng tốp người, gồng gánh kéo xe, lấy công việc “lấy đêm làm ngày” để mưu sinh.

Với những nữ cửu vạn tại chợ Long Biên ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 không khác ngày bình thường.

Gạt vội những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, bà Lê Thị Loan (49 tuổi, quê Phú Thọ) - gắn bó với nghề khuân vác tại chợ Long Biên được gần 20 năm cho biết - trước đây khi chưa lên thành phố, cuộc sống gia đình bà Loan ở quê rất vất vả, làm quần quật nhưng vẫn không đủ ăn.

Những ngày đầu mới bắt đầu công việc, bà Loan phải đi gánh thuê, sau đó chuyển sang xe kéo rồi kiêm luôn bốc vác. Nếu chăm chỉ, mỗi tối bà Loan kiếm được 400.000 – 600.000 đồng nhưng từ khi dịch COVID-19 ảnh hưởng, lượng hàng thưa giảm, cố gắng lắm cả tối bà Loan cũng chỉ kiếm được hơn 200.000 đồng, có khi chẳng được chuyến hàng nào.

Vớ mức thu nhập trên, tháng nào có nhiều chuyến hàng thì bà Loan có tiền dư gửi về quê, ít hàng cũng chỉ đủ tiền ăn.

Vì gánh nặng mưu sinh, bà Loan không cho phép mình được nghỉ ngơi bất kể ngày nào.

Khoác vội chiếc áo mưa mỏng, bà Loan nói, gần 20 năm lam lũ nơi đất khách, cứ đến ngày 8.3, thấy nhiều phụ nữ được tặng hoa, tặng quà, bà mừng thay cho họ, nhưng cũng tủi thân vì cùng là phận nữ nhưng chưa bao giờ dám mơ nhận được quà trong ngày này.

"Với những người lao động nghèo, ngày lễ cũng giống như bao ngày bình thường khác, thậm chí chúng tôi mong nó trôi qua thật nhanh để không thấy chạnh lòng" - bà Loan nói.

Chỉ cần có sức khoẻ để làm việc

Chẳng khác gì bà Loan, bà Nguyễn Thị Hải (46 tuổi, quê Hưng Yên), làm nghề thu mua đồng nát tại Hà Nội được hơn chục năm nhưng chưa bao giờ có ngày 8.3 cho riêng mình.

Cuộc sống mưu sinh thường nhật, vì mải lo miếng cơm manh áo cho gia đình nên chẳng khi nào người phụ nữ này nghĩ đến ngày 8.3 hay bất cứ một ngày lễ nào trong năm.

Vốn dĩ một bó hoa, một món quà hay một lời chúc mừng tưởng như quá giản đơn nhưng với những người lao động chân tay như bà Hải lại là một điều xa xỉ.

Ngoài công việc chính là thu mua đồng nát, khi rảnh chị Hải nhận thêm giúp việc theo giờ.

“Với tôi ngày nào cũng như ngày nào, tôi chỉ cần có sức khỏe để được đi làm. Công việc thu mua đồng nát cũng lắm bấp bênh, những ngày không có việc tôi nhận thêm dọn nhà theo giờ.

Càng ngày lễ, nhu cầu thuê giúp việc theo giờ càng nhiều, mỗi giờ làm việc, tôi nhận được thêm 40.000 – 50.000 đồng tiền thù lao" - bà Hải chia sẻ.

Đối với những người lao động tự do như bà Hải, nếu một ngày không đi làm thì xem như ngày hôm đó không có ăn. Nghĩ về gia đình ở quê còn cơ cực, hai con đang tuổi ăn học rất cần chi phí gửi về hàng tháng nên dường như bà không cho mình nghỉ ngơi hôm nào.

"Tôi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để có tương lai tốt đẹp cho các con. Thấy con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành thì có lẽ đó là món quà đáng quý nhất với tôi” - bà Hải dạn dĩ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn