MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giới trẻ chụp ảnh tự sướng tại cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: nguồn Internet

“Ngày hội hoa hướng dương” tại Nghệ An khó khả thi

NGUYỄN ĐĂNG TRUNG LDO | 31/05/2016 11:51
Cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đang ráo riết chuẩn bị tổ chức Ngày hội hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn, chủ trương đã được bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí cho rằng nhà nước không nên đứng ra tổ chức, vì còn nhiều bất cập.

Mấy năm gần đây, vào mùa hoa hướng dương, hàng ngàn, hàng vạn người tập trung về huyện Nghĩa Đàn để ngắm hoa, chụp ảnh “tự sướng”, dã ngoại. Người đông đến mức đường tắc nhiều km. Xuất phát từ thực tế đó, một số doanh nghiệp và cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã “đi tắt, đón đầu” đề xuất triển khai tổ chức Ngày hội hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn.

Ban đầu, dự kiến là Lễ hội, nhưng sau đó đổi thành Ngày hội. Dự kiến thời gian tổ chức vào tháng 12 hàng năm.

Tại cuộc họp UBND tỉnh Nghệ An chiều 25.5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường khẳng định việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương là một ý tưởng hay và cần thiết để thu hút du khách đến thưởng ngoạn vẻ đẹp miền Tây Nghệ An.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu Nghệ An nêu quan điểm, việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương là điều khó khả thi. Thứ nhất, hoa hướng dương không phải là hoa bản địa, không có nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa của người Việt. Giả sử tổ chức Lễ hội hoa sen còn có lý. Thứ hai, đây là cánh đồng hoa của doanh nghiệp, nếu chính quyền đứng ra tổ chức sẽ có những ý kiến này khác.

Qua trao đổi, một số nhà nghiên cứu khác cũng không đồng tình với việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương. 

Điều các nhà nghiên cứu băn khoăn xuất phát từ hoa hướng dương vốn có nguồn gốc từ Mexico, sau du nhập vào Việt Nam. Cánh đồng hoa hướng dương tại Nghĩa Đàn là của Tập đoàn TH, doanh nghiệp sản xuất sữa lớn của Việt Nam. Cây hướng dương ở đây được trồng rồi xay nhỏ làm thức ăn cho bò.  

Trong sinh hoạt văn hóa của người Việt, đến nay ít thấy người dân sử dụng hoa hướng dương trong các dịp lễ, tết, hiếu hỉ, giao tình như hoa sen, hoa hồng, hoa cúc…

Trên thế giới, đã có nhiều Lễ hội (ngày hội, liên hoan) hoa được tổ chức như Lễ hội hoa anh đào, Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội hoa ban Điện Biên…Tại Nhật Bản, hoa anh đào được coi là quốc hoa, biểu tượng cho tinh thần, khí chất, vẻ đẹp thanh tao, trong trắng và ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa của đất nước, nền văn hóa Nhật Bản.

Hoa anh đào gắn liền với đời sống của người Nhật bao thế kỷ nay, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều quốc gia. Lễ hội hoa anh đào được tổ chức nhiều nơi trên thế giới và được hưởng ứng nhiệt liệt.

Festival Hoa Đà Lạt cũng có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử, văn hóa, phong cảnh, con người nơi đây, được tổ chức 2 năm một lần và là sự kiện lớn của văn hóa quốc gia.

Tại Điện Biên, việc tổ chức Lễ hội hoa ban xuất phát từ loài hoa này gắn bó sâu sắc với đời sống người dân, tiêu biểu cho vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống tâm hồn người dân miền Tây Bắc.

Còn hoa hướng dương, mặc dù đẹp, lạ, nhưng không phải là hoa bản địa, không gắn bó với đời sống người dân. Việc người dân, đặc biệt là giới trẻ, tập trung đông đến xem hoa, có thể do hiếu kỳ và trào lưu “thấy đông thì đi cho biết”, chứ chưa có sự gắn bó sâu sắc về mặt văn hóa, tinh thần.

Mục đích của hoa này trồng làm thức ăn cho bò của doanh nghiệp phần nào sẽ làm giảm đi sự tinh tế, cái đẹp vô tư của biểu tượng hoa trong đời sống.

Việc tổ chức Ngày hội hoa hướng dương hàng năm sẽ dẫn đến sự trùng lặp, nhàm chán, và dĩ nhiên rất tốn kém. Thông điệp, giá trị văn hóa của Ngày hội (hay Lễ hội) này là gì, hiện còn nhiều băn khoăn.

Thực tế cho thấy, tại Nghệ An đã có một số lễ hội, liên hoan do Nhà nước đứng ra tổ chức bài bản và khá tốn kém nhưng chưa thực sự thu hút được đông đảo người dân tham gia. 

Một nhà nghiên cứu nói, nếu nhất thiết cho rằng cần tổ chức Ngày hội này, thiết nghĩ nên giao cho doanh nghiệp hay cộng đồng người dân tự tổ chức, sẽ tạo ra sự sinh động, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Bởi vì bản chất của Lễ hội là xuất phát từ nhu cầu trong đời sống tinh thần của người dân, do người dân tự tổ chức thì sẽ bền vững trong đời sống của họ.

Còn nhà nước đứng ra làm thay, bỏ kinh phí, dựng “kịch bản”, rồi họp hành, tổng kết, khen thưởng… thì sẽ dễ rơi vào xu hướng bao cấp, hành chính hóa, không đúng chủ trương xã hội hóa văn hóa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Giới trẻ chụp ảnh tự sướng tại cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: nguồn Internet
Đường về Nghĩa Đàn tắc nghẽn vì dân chen chúc đi xem hoa hướng dương (ảnh: nguồn Internet)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn