MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những lời quảng cáo "chữa bách bệnh" khiến nhiều bạn đọc vô cùng ngán ngẩm. Ảnh: LDO.

Ngày nào cũng là ngày “Cá tháng tư” với “Nhà tôi 3 đời...”

LƯƠNG HẠNH - LAN NHƯ LDO | 01/04/2021 19:30
"Bà con nào bị bệnh xương khớp hãy gọi điện cho tôi, tôi cam kết chữa khỏi 100%" - một số bạn đọc đã từng bị “lừa” tỏ ra rất bức xúc và ám ảnh bởi những mẩu quảng cáo biến ngày nào cũng thành ngày "Cá tháng tư" này.

Đa phần người có bệnh đều tin

Không khó để bắt gặp những mẫu quảng cáo ám ảnh người xem như thế này trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… Một trào lưu bùng nổ của các “thần y”, “thần dược” với khả năng chữa trị bách bệnh ngập tràn trên các trang mạng.

Không ít người lớn tuổi khi sử dụng mạng xã hội sẽ dễ dàng “nhẹ dạ cả tin” vào những loại quảng cáo chữa bách bệnh này, vì đa phần họ đều là những người đang mang bệnh trong người. Với tâm lý có bệnh phải "vái tứ phương", dễ hiểu tại sao những người lớn thường bật xem các kênh này, rồi đặt mua để “chữa bệnh”.

Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1972) mắc căn bệnh thấp khớp đã lâu năm. Mặc dù đi khám ở nhiều nơi và uống nhiều loại thuốc nhưng căn bệnh này vẫn không khỏi. Bà chia sẻ: “Tôi bật Facebook lên thì thấy những quảng cáo này. Nơi nào, chỗ nào có cách chữa thì tôi tìm đến thôi. Không suy nghĩ gì nhiều cả”.

Hay theo bà Trần Thị Ấu (SN 1942, quê Cà Mau) - là người từng sử dụng loại thuốc trên mạng xã hội - ban đầu nghe theo lời quảng cáo, thấy giống các triệu chứng bệnh của mình nên mua về dùng thử. “Cứ đều đặn 1 tháng 2 lần, 3 lọ 2 triệu, có tuần chưa kịp gọi họ đã chủ động liên lạc lại cho tôi. Sau một thời gian uống thấy không thuyên giảm, con tôi không cho sử dụng nữa” - bà Âu cho biết.

Ngán ngẩm với loại quảng cáo chữa “bách bệnh”

Cũng theo bà Ấu, thời gian gần đây, thấy mấy đứa trẻ con trong nhà xem YouTube có quảng cáo này thì con trai bà mới nói bà "giống mẹ bị lừa lúc trước".

Ngày cá tháng tư (1.4) được gọi là “ngày nói dối”, những lời nói dối chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong năm. Còn ở Việt Nam, “cá tháng tư” theo kiểu quảng cáo "thần y", "thần dược" xuất hiện quanh năm suốt tháng trên mạng xã hội, ra rả là “ba đời chữa bệnh”, “Kiểu gì cũng khỏi”..., khiến cho nhiều người "đau đầu, tiền mất, tật mang.

Bà Trịnh Hồng Liên (SN 1981), sống tại Đầm Dơi, Cà Mau cho biết: “Gia đình tôi có thói quen đến tối cùng nhau xem phim trên YouTube. Thời gian gần đây, cứ mỗi lần xem YouTube là hàng loạt quảng cáo thuốc hiện ra, nhất là đoạn quảng cáo "bà con ai đang gặp các vấn đề về xương khớp hãy gọi cho tôi"… Bản thân tôi chưa gọi điện hay trực tiếp điều trị bao giờ nên cũng không biết thật sự có hiệu quả hay không. Nhưng cứ xem quảng cáo liên tục thế này, tôi nghe thấy rất mệt mỏi”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp về thông tin "thần y" trên mạng xã hội.

Không chỉ ám ảnh bởi quảng cáo “Nhà tôi ba đời…” mà vụ một “cô đồng” chuyên bắt ma, gọi vong, chữa ung thư, vô sinh, và cả COVID-19 ở tỉnh Vĩnh Phúc đã làm nhiều bạn đọc bức xúc thời gian gần đây. Cô đồng này đã chữa bệnh bằng gọi hồn, bằng cách ợ hơi, “nhổ nước bọt”; thậm chí, chữa cả COVID-19 với giá 3-4 triệu đồng.

Đối với những kênh quảng cáo bất chấp khoa học và lương tâm như thế này thì ngày nào cũng là ngày "cá tháng tư".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn