MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghĩ từ cội nguồn chữ "Y"

Nguyên Đức LDO | 27/02/2022 15:46

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2, nhiều người liên tưởng ngay đến vấn đề y thuật, y đức. Song biện luận chữ Y như thế nào, thì hóa ra trong kiến giải xưa nay của nhiều người, lại có nhiều góc cạnh suy nghĩ.

Trước hết, trong ngôn ngữ Việt, ảnh hưởng Hán ngữ, chữ Y醫 nghĩa là sự chữa bệnh, được tạo ra bằng cách hội ý các bộ chữ.

Nghĩa sơ khai nhất của chữ Y, gồm bộ Phương 匚 (vuông vắn) bao quanh bộ Thỉ 矢 (mũi tên) hàm ý một người bị thương (trúng tên) nằm ngay ngắn (đã được săn sóc); đặt cạnh bộ Thù 殳 (binh khí không có mũi nhọn) và đặt trên bộ Dậu 酉 (con gà), hàm nghĩa dùng phương tiện cầu khẩn và giết gà làm lễ cúng.

Chữ Y, trong Hán tự nghĩa là sự chữa bệnh. Ảnh: Nguyên Đức

Như vậy, chữ Y nghĩa là cầu khẩn thần linh cho người bị bệnh được bình phục. Nghĩa này liên đới đến xã hội thời nguyên thủy, việc chăm sóc người bệnh ở các bộ lạc thường được giao cho các thầy cúng (thầy tư tế) theo dõi sức khỏe và cầu khẩn cúng bái.

Khi y học được phát triển hơn trong xã hội, vấn đề chữa bệnh qua cầu khấn được thay thế bằng thuốc và các giải pháp chữa bệnh tiến bộ hơn, chữ Y lại được cắt nghĩa theo hướng mới.

Bộ Phương và bộ Thỉ được hàm nghĩa là người bị bệnh được xác định rõ nguyên nhân gây ra (vết thương hay bệnh tật), trong đó mũi tên được ám chỉ nguyên nhân mầm bệnh. Khi đã thấy rõ nguyên nhân ở đâu, thì người chữa bệnh sẽ vận dụng giải pháp liên quan (bộ Thù) để xử lý.

Toàn bộ quy trình chữa bệnh ấy gắn với việc bồi dưỡng cho người bệnh (ăn uống chất bổ bằng cách giết gà vịt…). Y thuật, tức cách chữa bệnh, được hiểu theo nghĩa này: chăm sóc bệnh nhân và giải quyết tật bệnh từ chính căn nguyên mầm bệnh.

Gần đây, khi y học tiến bộ thêm một bước nữa, chữ Y lại được diễn giải đổi mới hơn. Bộ Phương và bộ Thỉ thể hiện khái niệm việc chữa bệnh không ở hiện trạng vết thương mà phải chăm lo từ nền tảng vết thương, gồm cả vết thương thể chất lẫn vết thương tinh thần (tổn thương từ “mũi tên vô hình”).

Bộ Thù hàm nghĩa những giải pháp chữa bệnh cần thiết, tùy hoàn cảnh và điều kiện hợp lý. Bộ Dậu với hình ảnh “con gà”, được hiểu theo nghĩa thức tỉnh vấn đề.

Như vậy, chữ Y lại được hiểu theo nghĩa mới: Chữa bệnh là sử dụng mọi phương pháp có được để tìm ra (thức tỉnh) gốc rễ vết thương, căn bệnh mà xử lý.

Với nghĩa này, y thuật không còn chỉ là những giải pháp xử lý bệnh tật thương tích mà còn là những giải pháp tâm lý trị liệu, thần kinh để triệt để ngăn chặn những tổn thương (vết thương, căn bệnh)…

Với những cách luận giải khác nhau như vậy, chữ Y trong ngôn ngữ tiếng Việt xưa nay đã từng bước có những biến đổi nội hàm sâu sắc hơn, thể hiện các góc cạnh tri thức y học cập nhật không ngừng. Từ những phương pháp chữa bệnh dân gian (bài cúng, mẹo vặt…) đến kiến thức y khoa hiện đại, từ bệnh tật hữu hình đến những căn nguyên bệnh trạng tâm lý, đều gọi gọn ở một chữ Y như vậy.

Người thầy thuốc, tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc chữa bệnh cho bệnh nhân từ thể trạng đến tinh thần, chính là làm tốt y thuật của mình; và khi làm tròn trách nhiệm chăm sóc cứu chữa bệnh nhân, là đã thể hiện tốt y đức của mình. Con đường thực hành trọn vẹn y thuật với kiến thức không ngừng được bồi dưỡng, và y đức với tâm tính bảo toàn an sinh cho bệnh nhân của người thầy thuốc, chính là Y đạo muôn đời.

Và trong xã hội đầy những biến động bất tường, nguy cơ dịch bệnh lây lan, hình ảnh những người thầy thuốc kiên định, vững vàng ở tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sức khỏe mọi người mọi nhà, thật sự chính là thực hành chữ Y với đầy đủ ngữ nghĩa tích cực nhất. Điều ấy thật đáng trân trọng biết bao!

Nhân ngày 27.2, thật mong cho mỗi người, mỗi nhà luôn thấy được chữ Y rạng rỡ tự trong tâm những người thầy thuốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn