MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

"Ngày xưa lì xì bằng đồng chinh nhỏ buộc chỉ đỏ chứ không rút tiền ra cho"

ANH THƯ LDO | 24/01/2020 09:09

"Ngày xưa người ta lì xì cho trẻ nhỏ bằng một đồng chinh nhỏ, buộc vào đó một sợi chỉ màu đỏ biểu hiện cho sự may mắn. Còn bây giờ ta hay rút tiền ra cho giống như kiểu ban phát, như vậy là không nên”.

Trao đổi về tục lì xì đầu năm, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tục mừng tuổi đầu năm xuất phát từ văn hóa ứng xử giữa con người với con người nhằm mang ý nghĩa tốt đẹp.

Con người với con người ở đây là có quan hệ huyết thống, sau đó mở rộng ra các mối quan hệ xã hội khác nhau như giữa người lớn với trẻ em, giữa thầy với trò…

Đầu năm mới, con mừng tuổi cha mẹ tỏ lòng biết ơn sinh thành, dưỡng dục. Mọi người trao nhau lì xì để chúc nhau sức khoẻ, an khang, phước lành và vạn sự may mắn.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, hiện nay, người dân thường lì xì nhau bằng tiền. Tuy nhiên, nhưng nhiều trẻ nhỏ không biết tiền là gì và không phải trẻ nào cũng thích lì xì như vậy.

Về việc mừng tuổi cho trẻ con, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: “Với trẻ em, tuỳ vào trường hợp mà lì xì làm sao cho đúng. Tuy nhiên, về lì xì bằng tiền đối với trẻ con, tôi cho rằng điều này không tốt. Ngày xưa người ta lì xì cho trẻ nhỏ bằng một đồng chinh nhỏ, buộc vào đó một sợi chỉ màu đỏ biểu hiện cho sự may mắn. Còn bây giờ ta hay rút tiền ra cho giống như kiểu ban phát, như vậy là không nên”.

So sánh tục lì xì của người Việt với việc phát quà của ông già Noel ở các nước phương Tây, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, việc bố mẹ tìm hiểu xem con thực sự thích gì sau đó nhờ ông già Noel tặng món quà đó cho con trẻ sẽ phù hợp với nhu cầu của trẻ và có thể cá thể hóa món quà.

Vì vậy, nếu thay vì lì xì bằng tiền, mỗi người nên tặng cho các cháu một gói quà ngày Tết khi biết được các cháu thích món quà gì. Từ đó, có thể dần dần thay tiền bằng quà tặng.

Điều đáng nói, hiện nay tục lì xì đang dần bị biến tướng thành mang tính thương mại hóa. “Nhiều người Tết vẫn lì xì cho sếp hay con sếp không chỉ mang ý nghĩa trả ơn mà còn mong nhận được ưu đãi gì đó. Điều này làm mất đi ý nghĩa vốn có của tục lì xì”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc lì xì là như thế nào. Trẻ nhỏ không tự ý mở lì xì trước mặt người tặng. Nên coi những đồng tiền trong lì xì mang tính tượng trưng, đối với người dưới thể hiện lòng biết ơn, với người trên thể hiện sự quan tâm, chăm sóc thì hoàn toàn là tốt. Từ đó, tục lì xì đầu năm vẫn là nét đẹp văn hóa, tượng trưng chúc nhau mọi điều tốt lành trong năm mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn