MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang trao Thiếp mừng thọ, quà của Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh tới các cụ tròn 100 tuổi trên địa bàn. Ảnh: Dung Quang

Ngày xuân bàn về chữ thọ và phong tục mừng thọ của người Việt

Trần Quốc Thường LDO | 05/02/2022 11:00

Người Việt có truyền thống kính trọng người cao tuổi, hình thành nên phong tục mừng thọ cho ông bà, cha mẹ vào dịp Tết Nguyên đán.

Người xưa quan niệm: “Tứ thời xuân tại thủ - Ngũ phúc thọ vi tiên”, nghĩa là “Bốn mùa, mùa xuân trước - Năm phúc, thọ đầu tiên”. Hạnh phúc lớn nhất của đời người là sống lâu.

Ngày xuân, trong lễ mừng thọ, người Việt thường chúc các cụ “Phúc như Đông hải - Thọ tỉ Nam sơn”, nghĩa là chúc cho các cụ có được phúc lộc dồi dào như nước biển Đông, sống lâu như núi Nam.

Một lễ mừng thọ tập thể được tổ chức tại nhà văn hóa địa phương. Ảnh: TS

Tương truyền, khi dự mừng thọ 80 của ông nhiêu trong làng, nhà thơ Nguyễn Khuyến cung kính vái chào cụ già. Mọi người cho là không đúng lễ, vì Nguyễn Khuyến là bậc đại khoa danh cao vọng trọng, còn ông nhiêu không có chức vị, khoa bảng gì. Nguyễn Khuyến nói: tôi vái chào cái thiên tước của ông ấy.

Nguyễn Khuyến giải thích “thiên tước” là tước của trời ban cho. Còn khoa bảng, danh vọng là tước vị vua ban. Vua ban so với Trời ban ai hơn?

Các anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân thì sẵn sàng chết vinh hơn sống nhục. Tướng Trần Bình Trọng, nhà Trần xưa khẳng khái: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Quan niệm của họ về sống chết thật rõ ràng, dứt khoát.

Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, sứ thần Nguyễn Biểu, Giang Văn Minh …, rồi anh hùng Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, các thanh niên xung phong và bao người con ưu tú đã ngã xuống vì tổ quốc đều bất tử. Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tinh thần anh dũng sống mãi với non sông đất nước.

Xuất phát từ tình cảm kính trọng người cao tuổi, người Việt có phong tục tổ chức mừng thọ cha mẹ, ông bà, người thân vào dịp Tết Nguyên đán.

Việc mừng thọ tuỳ điều kiện và mục đích mà mỗi nơi, mỗi người một khác. Trong dòng họ nào ít có người sống thọ, cha mẹ mới 60, 70 tuổi, con cháu đã làm lễ mừng. Cũng có kẻ chức trọng, quyền cao và giàu có hay làm lễ mừng thọ linh đình và sớm cho cha mẹ.

Thông thường cha mẹ song toàn, tuổi 70, 80 trở lên mới nên làm lễ mừng thọ. Những năm gần đây nhiều làng xã, khối, phường tổ chức mừng thọ cho các cụ tại nhà văn hoá vừa trang trọng, vừa tiết kiệm.

Tuổi thọ cao là mơ ước của mọi người. Muốn vậy, ngoài cuộc sống no đủ, cần biết sống điều độ, hay làm việc thiện, biết lấy tri túc (biết đủ) để vui sống.

Chúng ta cần nhớ lời khuyên của tiền nhân: Phải biết kính già, yêu trẻ, vì: Mến trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho. Âu đó cũng là một nét đẹp văn hoá truyền thống đầy chất nhân văn của dân tộc ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn