MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hệ lụy của việc uống rượu bia đã được nhiều người nói đến. Ảnh minh họa: TL

Ngày xuân nói chuyện uống rượu, cũ mà không cũ

Saomai Pham LDO | 18/02/2022 19:30

Đằng sau những cuộc nhậu triền miên, ép nhau uống rượu say đến "quên lối về" là những hệ lụy đau đớn khôn lường.

"Ép bất khả từ" không phải là văn hóa thưởng rượu

Có lẽ không một ai trong chúng ta ưa những người đàn ông nát rượu bởi hình ảnh của họ khi đã bị rượu "nhấn chìm" thật nham nhở. Tiếng Việt có những từ riêng để gọi họ, nào là "thằng nghiện", nào là "kẻ say"... với tất cả hàm ý coi thường, ngao ngán ở trong đó, chứ tuyệt nhiên không có một mảy may tôn trọng.

Chỉ nói riêng đến tai nạn giao thông thôi thì nguyên nhân do rượu bia, đặc biệt là trong những dịp nghỉ lễ Tết kéo dài, đều khiến bất cứ người bình thường nào cũng thấy đau lòng.

Sau những trận "say mới được về" ấy, người nào chân đi ríu ríu, miệng nói líu lo đủ thứ trên trời rồi đổ gục xuống giường vẫn được coi là say hiền, say dễ thương, say vô hại.

Chỉ những ai vẫn tự tin cãi là mình không say rồi điều khiển ôtô, xe máy lượn lách la đà mới là những người say đáng sợ. Tai nạn giao thông nào cũng là tai nạn thảm khốc. Người say "bị" đã đành. Người tỉnh vô tội cũng bị liên lụy. Tết tưởng vui mà hóa ra buồn bất tận và ám ảnh nặng nề.

Những hệ lụy của việc uống rượu bia đã được nhiều người nói đến. Nhưng có lẽ  viết hay nói về vấn đề này cũng chỉ cho những người không ham bia rượu nghe và đọc. Khắp nơi, dù tiệc to hay là tiệc nhỏ, người ta vẫn tiếp tục "dzô" đến trăm phần trăm liên tục khi uống bia hay hồ hởi uống rượu kiểu quay vòng, rồi hễ cứ “ực” một hơi lại anh em bắt tay nhau hỉ hả - lần bắt tay nào cũng nhiệt tình như lần nào, chỉ có thêm rượu vào người là thêm chuếnh choáng, thêm mất tỉnh táo mà thôi.

Nhiều người gọi kiểu uống rượu như thế gọi là "văn hóa uống rượu của người Việt Nam". Xin đừng lạm dụng từ "văn hóa" bởi đó là một từ đẹp được chắt lọc từ những tinh túy của cả một dân tộc.

Với cách uống rượu của nhiều người Việt Nam bây giờ, sự dừng lại khi đã đủ "đô" còn bị khích bác thì sự thưởng thức ly rượu ngon một cách có văn hóa vẫn còn xa vời lắm.

Các bà vợ Việt Nam thường trách các ông chồng của mình là "ham uống", là "không biết đường mà từ chối". Nhưng nói thế cũng mới chỉ là trách một vế. Cái vế thứ hai, vế của những ông đàn ông còn lại trên bàn nhậu ấy mới là đáng sợ.

Biết từ chối mới là bản lĩnh

Nhân đây kể chuyện một ông rể Tây lạc vào một bàn nhậu toàn người Việt mới thấy muốn dừng rượu hoặc muốn chối từ rượu cũng phải rất có bản lĩnh. Với người nước ngoài, mà cụ thể ở đây là chàng rể người Pháp, tửu lượng không bao giờ là thước đo độ nam tính.

Anh rể Tây hôm đó chỉ uống theo kiểu nhâm nhi vì còn phải thưởng thức các món ngon Việt Nam và vì anh không có thói quen uống rượu theo kiểu ngửa đầu dốc đến cạn ly "ực" một tiếng bao giờ.

Nhưng cung cách uống khác, xét cho cùng cũng chỉ là sự lựa chọn cá nhân. Cái sự nhạo báng, khích bác mới là điều đáng sợ. Chàng rể ngoại quốc không hiểu nổi tại sao chỉ vì từ chối không uống tiếp mà lại bị coi là "đồ mặc váy", là "đồ đội vợ lên đầu", là "không đáng mặt đàn ông"... và hàng loạt những câu đại loại như vậy.

Kết cục là rể tây cương quyết đứng lên giữa tiếng cười chế diễu của những người đàn ông khác. "Cửa ải" này, chắc chắn nhiều đàn ông Việt vượt qua.

Vậy là cứ say thôi. Bệnh tật tính sau. Vợ con cũng tính sau. Thậm chí đến tai nạn giao thông có thể xảy ra cũng là chuyện nhỏ hết. Rất nhiều người Việt cứ hồn nhiên coi mọi chuyện chỉ nhẹ như cái lông ngỗng.

Bàn về việc uống rượu không chỉ trong mấy ngày Tết luôn là những chuyện nói bao nhiêu cũng không đủ. Để tạm kết thúc, chỉ xin những người đàn ông ở đủ mọi lứa tuổi lưu tâm đến những con số thống kê về tai nạn giao thông.

Nhưng ở đời lại có những chuyện không sao có thể thống kê chính xác, ấy là những nổi khổ tâm và sự chịu đựng của những đứa con và những người vợ của những ông chồng dành cả cuộc đời mình, phó mặc sức khỏe của mình cho những cuộc rượu triền miên.

Nếu không nghĩ đến vợ vì "vợ mình là con người ta", thì hãy nghĩ đến những đứa con của mình. Liệu chúng có được chăm sóc đủ đầy, nuôi dạy một cách đúng nghĩa, khi cha chúng hàng ngày chỉ làm bạn với "ma men"?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn