MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kho phim nơi chứa gần 300 bản phim của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Minh Hạnh

Nghệ sĩ lên tiếng về gần 300 bản phim bị xuống cấp tại Hãng phim truyện Việt Nam

Minh Hạnh LDO | 13/01/2024 13:48

Trước sự việc gần 300 bản phim tại Hãng phim truyện Việt Nam bị xuống cấp, tập thể người lao động, nghệ sĩ tại đây cho hay, đây không phải là các bản phim để chiếu rạp thông thường mà phần lớn được sử dụng để trình chiếu ở các liên hoan phim trong nước và quốc tế nên việc bảo quản rất nghiêm ngặt.

Ngày 11.1.2024, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện tập thể người lao động của Hãng phim truyện Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết, 300 bản phim dương bản gốc (positive) này là những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

Trong điện ảnh, phim có hai phiên bản: Positive là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh để trình chiếu cho công chúng; bản negative (kể cả bản negative được gọi là “negative gốc”) là những sản phẩm trung gian để tạo ra bản phim dương bản.

Bản được gọi là “negative gốc” là bản chưa được định ánh sáng, chưa định màu sắc (là khâu quan trọng hàng đầu trong việc hoàn thiện bộ phim của quay phim và đạo diễn), không có âm thanh, không thể trình chiếu cho công chúng như một tác phẩm.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, 300 bản phim trên là “bản sao” là hoàn toàn không chính xác. "Những bản phim dương bản (positive gốc) này chính là một trong hai bản gốc duy nhất còn lại của những bộ phim kinh điển của Điện ảnh Việt Nam. Hiện 1 bản được lưu trữ tại Hãng phim truyện và 1 bản được lưu trữ tại Viện phim" - ông Hải nói.

NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải. Ảnh: Minh Hạnh

Cũng theo đạo diễn Bùi Trung Hải, để in lại bản phim dương bản gốc (positive) mới hoặc số hóa các bộ phim cũ (như 300 bản bị hỏng tại Hãng phim truyện) là rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí cao (có thể lên đến vài trăm nghìn USD, thậm chí cả triệu USD cho một bộ phim).

Vì liên quan đến việc phục chế các bản phim negative gốc đã cũ nên đây là quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao, trên thế giới cũng không có nhiều cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế (khi chất lượng của bản phục chế/số hóa được coi là tương đương với bản phim positive phim nhựa).

Chưa kể, vấn đề tái tạo âm thanh của các bản phim cũ với bản negative tiếng cũ, đã nhiều năm tuổi khi phải phục chế cũng rất phức tạp, tốn kém.

Đạo diễn Bùi Trung Hải cũng cho hay, nếu cho rằng, phim nhựa đã ngừng sử dụng là sai hoàn toàn vì hiện trên thế giới, phim nhựa vẫn đang được sử dụng rộng rãi, song song với phim kỹ thuật số.

Cũng theo tập thể người lao động, việc đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Vivaso) cho rằng, các phim nhựa ở trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam đã được sử dụng nhiều lần nên chất lượng xuống thấp là hoàn toàn sai.

“Trước cổ phần hóa, việc bảo quản phim trong kho là rất nghiêm ngặt, có người bảo dưỡng, xử lý kỹ thuật phim… định kỳ, để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các bộ phim…” - NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải nói.

Liên quan đến vụ việc gần 300 bản phim của Hãng Phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, bị xuống cấp nghiêm trọng, ngày 4.1.2024, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có văn bản chính thức trả lời và yêu cầu phải có phương án khắc phục.

Ngoài kho phim bị hỏng, nhiều kỷ vật vô giá tại Hãng phim truyện Việt Nam cũng bị xuống cấp. Ảnh: Minh Hạnh

Theo Thanh tra Bộ (VHTTDL), sau khi nhận được kiến nghị, phản ánh của tập thể nghệ sỹ, cán bộ, công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam về gần 300 bản phim bị hỏng, Cục Điện ảnh phối hợp với Viện Phim Việt Nam đã làm việc với Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (công ty) và khảo sát trực tiếp kho lưu trữ phim.

Sau khi khảo sát trực tiếp, đoàn công tác nhận thấy, kho lưu trữ phim đã xuống cấp trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn để lưu trữ, các bản phim không thể sử dụng do không được kiểm tra, bảo dưỡng trong một thời gian dài. Việc để các bộ phim trong kho phim của công ty bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của công ty. Công ty phải đề xuất phương án khắc phục báo cáo Bộ VHTTDL và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn