MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán đã xảy ra nghiêm trọng trên sàn HoSE trong 6 tháng qua. Ảnh: Thế Lâm.

Nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán: Từ nhận lỗi đến xin lỗi và sửa lỗi

Thế Lâm LDO | 24/06/2021 16:52

Lần đầu tiên có một cuộc tọa đàm (trực tuyến) về tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Một cách đầy muộn màng, những lời nhận lỗi, xin lỗi… được đưa ra.

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HoSE và một số vị lãnh đạo của các công ty chứng khoán.

Đây là dịp để các bên nói rõ, giãi bày, trao đổi và cung cấp thêm thông tin xung quanh tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE, từ thực trạng đó đưa ra các giải pháp cho thời gian tới, làm rõ một số luận điểm trong quản lý ngành cũng như định hướng phát triển thị trường.

Điều mà người xem ghi nhận, dù muộn màng, nhưng ông Chủ tịch UBCKNN cũng đã nói ra những lời được rất nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi như “nắng hạn chờ mưa” lâu nay: “Chúng ta không phải nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi mà là nợ nhiều lời xin lỗi”.

Đó là một cách nói vừa giãi bày, chia sẻ, nhận lỗi và cũng là một cách xin lỗi. Vị “tư lệnh ngành” chứng khoán xin lỗi nhà đầu tư vì tình trạng nghẽn lệnh giao dịch suốt 6 tháng qua, âu cũng là điều cần thiết phải làm và cũng rất bình thường.

Bất ngờ hơn, ông Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cũng nói lời xin lỗi thậm chí còn “sâu” hơn, với những phân tích rất thấu đáo: “Phải có ai đó xin lỗi nhà đầu tư. Vì họ trả tiền, trả phí cho công ty chứng khoán, sở (HoSE - NV) để cung cấp dịch vụ, các thành viên thị trường nên gửi lời xin lỗi nhà đầu tư”.

Còn ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HoSE, nơi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch dai dẳng và trầm trọng trong 6 tháng qua - cũng nhận lỗi. Ông cho rằng, ở góc độ sở giao dịch chứng khoán, người tổ chức vận hành thị trường, để xảy ra nghẽn lệnh, tổ chức phục vụ thị trường, sở giao dịch chứng khoán phải nhận lỗi.

Tất nhiên, giữa nhận lỗi với xin lỗi, dù thường hay đi liền với nhau, nhưng vẫn có khoảng cách với nhau chứ không thể đồng nhất.

Nhận lỗi là một cách xác nhận sự chịu trách nhiệm về một việc gì đó xảy ra, chỉ một phía, không có sự tương tác. Còn xin lỗi, là một thái độ cầu thị hơn hướng đến những người bị ảnh hưởng trực tiếp vì bị lỗi xảy ra tác động đến. Đây là động thái hai chiều, có tương tác với phía được xin lỗi. Từ đó, phía được xin lỗi cảm thấy được giải tỏa, nguôi ngoai… phần nào.

Nhưng trên hết và quan trọng nhất vẫn là biết sửa lỗi. Nếu chỉ nhận lỗi, xin lỗi mà không sửa lỗi, thì hai hành động trước đó cũng không có giá trị gì, bởi nó không giúp thay đổi được thực trạng vấn đề.

Vấn đề ở đây không phải chỉ là khắc phục tình trạng nghẽn lệnh của hệ thống giao dịch mang tính kỹ thuật công nghệ. Bởi tình trạng này, đã và đang được giải quyết, với tiến độ đã được thúc đẩy nhanh hơn so với trước đây.

Thực trạng cần thay đổi ở đây là cung cách “phục vụ thị trường” như lãnh đạo HoSE đã đề cập. Phục vụ thị trường mà muốn cấm là cấm đối với nhà đầu tư trong việc hủy/sửa lệnh giao dịch một cách độc nhất vô nhị trên thế giới thì không thể xem là cách hành xử theo tư duy phục vụ thị trường được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn