MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng ca giúp người lao động có thêm nguồn thu nhập đáng kể là lý do anh Tiệp mong muốn nghỉ Tết muộn. Ảnh: Minh Hồng

Nghỉ sớm hay muộn, người lao động nào cũng mong Tết ấm no

MINH HỒNG LDO | 01/10/2023 19:43

Nhiều người lao động bày tỏ quan điểm trái chiều trước đề xuất Tết Nguyên đán 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chị Phùng Thanh Nhàn - hiện đang là nhân viên quản lý chuỗi cửa hàng kinh doanh công nghệ tại Hà Nội ủng hộ phương án nghỉ Tết Nguyên Đán sớm từ 8.2.2024 (tức 29 tháng Chạp) để được trở về đoàn tụ với gia đình.

Theo chị Nhàn, đây không chỉ là dịp kỷ niệm các ngày lễ truyền thống mà còn là thời gian để gắn chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

“Với những người làm việc xa quê như tôi, Tết là cơ hội quý báu để tụ họp bên gia đình. Bởi ít nhất sau một năm làm việc vất vả, tôi vẫn có thể dành thời gian chăm sóc gia đình, tận hưởng những phút giây ấm áp cùng người thân” - chị Nhàn nói.

Tuy nhiên, chị Nhàn cũng chia sẻ mong muốn nghỉ Tết sớm không phải lúc nào cũng dễ dàng.

“Nhiều người lao động phải đối mặt với áp lực công việc, tiến trình sản xuất và dịch vụ không thể bị gián đoạn vào dịp Tết. Việc duy trì hoạt động kinh doanh và sản xuất trong những ngày này có thể đặt ra nhiều khó khăn” - chị Nhàn bày tỏ.

Còn anh Trần Văn Tuân đã có 3 năm làm việc tại Công ty cung cấp dịch vụ nhân sự tại Quảng Ninh cho rằng, với nhiều người lao động, gia đình là sự ưu tiên hàng đầu. Đó cũng chính là lí do khiến anh muốn nghỉ Tết muộn, dành thời gian cho việc kiếm thêm thu nhập.

Anh Tuân tiết lộ, những ngày giáp Tết, bản thân anh Tuân cùng đồng nghiệp thường phải làm việc cật lực, đôi khi thậm chí là làm thêm giờ để tăng thu nhập, chuẩn bị một cái Tết ấm no.

"Nghỉ Tết muộn một chút nhưng chi tiêu trong gia đình được thoải mái hơn, cũng sẽ lo cho gia đình nhiều hơn" - anh Tuân chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Tiệp - nhân viên phục vụ tại trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới ở Hải Phòng bày tỏ mong muốn nghỉ Tết muộn để cố gắng tăng ca kiếm thêm thu nhập, có thêm đồng ra đồng vào đón năm mới.

“Tôi vẫn thường làm tăng ca những ngày lễ, ngày Tết hàng năm để được nhận thêm đồng lương gấp 3, gấp 4 lần so với lương cứng. Trong những dịp này, nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân tăng cao, làm công việc phục vụ như tôi cần tận dụng thời gian vàng này để thêm thu nhập” - anh Tiệp tâm sự.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Khánh An

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30.9, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, về mặt cơ sở pháp lý, tại Khoản 3, Điều 112 Bộ Luật Lao động quy định, hàng năm, dựa vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày nghỉ Tết Âm lịch và ngày Lễ Quốc khánh.

Do đó, định kỳ hàng năm, Bộ LĐTBXH tham mưu cho Thủ tướng quyết định lịch nghỉ Tết Âm lịch và Lễ Quốc khánh trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành trung ương.

Theo quy định, Tết Âm lịch được nghỉ 5 ngày và Lễ Quốc khánh được nghỉ 2 ngày.

Ông Thanh cho biết, về thực tiễn, lịch nghỉ Tết Âm lịch và Lễ Quốc khánh không cố định, đồng thời xen kẽ với các ngày nghỉ hàng tuần (Thứ 7, Chủ nhật). Do vậy, phải đưa ra phương án để xin ý kiến nhiều bên liên quan và lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu nhất, có lợi cho người lao động, các đơn vị doanh nghiệp và hài hoà lợi ích giữa các đối tượng.

“Cơ quan xây dựng đề xuất lịch nghỉ, cân nhắc tính toán sao cho có lợi nhất cho người lao động, người lao động là trung tâm” - Thứ trưởng Thanh cho biết.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn