MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghỉ việc chưa đầy 1 tháng vì phải “ôm” quá nhiều việc

Mạnh Cường LDO | 25/08/2023 20:32

22 tuổi, tốt nghiệp đại học, chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nam) quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tuy nhiên, hai nơi làm việc đầu tiên khiến chị vô cùng thất vọng nên đã quyết định xin nghỉ việc sớm.

Chị Trang kể, sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức chị đã đăng CV (hồ sơ cá nhân) lên các trang tìm việc. Lần đầu tiên, chị nhận được lời mời từ một thẩm mỹ viện hẹn sáng hôm sau đến phỏng vấn.

Do đã chuẩn bị rất kỹ kiến thức 4 năm học cùng gần 1 năm cuối đi thực tập từ công ty truyền thông nên chị Trang đã đậu phỏng vấn. Tuy nhiên, khi vào đến phòng Marketing, chị Trang mới ngỡ ngàng. Có 6 chiếc bàn làm việc nhưng chỉ có 3 người ngồi làm, không thấy hiện diện của trưởng phòng.

Nhiều dân văn phòng phải kiêm thêm các việc của những vị trí khác trong khi thu nhập hạn chế. Ảnh minh hoạ: Minh Hương.

Hỏi ra mới biết, thẩm mỹ viện vì chưa tuyển được trưởng phòng nên đã thuê trưởng phòng của công ty khác làm part time. Và vị trưởng phòng thuê này chỉ đến thẩm mỹ sáng thứ hai và sáng thứ bảy để giao và tổng kết công việc.

Vì phòng ít người nên chị Trang phải kiêm 5 công việc telesale, viết bài, chăm sóc mạng xã hội, thiết kế ảnh và làm kịch bản video với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lúc phỏng vấn chỉ là viết bài và chăm sóc mạng xã hội.

Thêm nữa, trưởng phòng không có mặt thường xuyên ở công ty nên mọi việc, mọi điều chưa biết chị đều phải tự mày mò, tìm hiểu. Sau 10 ngày làm việc tại đây, cảm thấy không có triển vọng, nữ nhân viên đã quyết định xin nghỉ.

Hai ngày sau, chị Trang lại đậu phỏng vấn ở một công ty khác trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm. Lần này, chị ngồi làm việc trực tiếp với giám đốc mỗi ngày nhưng cũng không thấy thoải mái với công việc đang làm.

Vì là công ty mới thành lập nên giám đốc chỉ tuyển duy nhất mình chị Trang trong bộ phận Marketing. Điều này đồng nghĩa chị phải kiêm tất cả mọi việc từ viết bài, thiết kế ảnh, quay video, gọi điện chăm sóc khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới, chạy quảng cáo… Mọi nền tảng từ mạng xã hội cho đến website, email… chị đều phải gánh vác với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Đã hai lần chị Trang xin giám đốc tuyển thêm nhân viên hỗ trợ công việc nhưng lãnh đạo nhất quyết không chịu với lý do "để xem kết quả thế nào rồi tính tiếp".

Vì không chuyên sâu vào những mảng khác nên sau 15 ngày, doanh số của chị Trang chỉ đạt 35% mục tiêu công ty đề ra. Nhìn sắc mặt khó chịu và thường xuyên nghe những lời nhắc của lãnh đạo, chị đã quyết định nghỉ việc.

Làm nhiều việc trong khi thu nhập hạn chế không phải nỗi lo của riêng dân công sở. Nhiều công nhân lao động chân tay cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Công nhân ngoài công việc chính cũng phải làm nhiều việc phụ khác ảnh hưởng đến năng suất hàng. Ảnh minh họa: Mạnh Cường.

Chị Nguyễn Thị Hoài (24 tuổi), công nhân may ở Nam Định cho biết công ty chị yêu cầu công nhân phải làm rất nhiều việc phụ chứ không thuê người khiến năng suất hàng giảm đáng kể.

Công việc chính của chị Hoài là may các mã hàng được chỉ định nhưng bản thân chị vẫn phải tự nhặt chỉ thừa, tự đi lấy hàng. Thời gian eo hẹp nên buổi trưa, chị phải tranh thủ bật đèn flash của điện thoại để nhặt chỉ do công ty tắt điện. Tính ra buổi trưa, ngoài giờ ăn, chị không có một chút thời gian nào để nghỉ ngơi.

“Nhiều công ty khác có phụ may ở chuyền nên công nhân khá nhàn. Nếu không phải mất thời gian nhặt chỉ, đi lấy hàng tôi cũng đã làm thêm được nhiều sản phẩm kiếm thêm mỗi ngày ít nhất 30.000 đồng nữa” - chị Hoài tâm sự.

Do công việc quá tải, chị Hoài cũng quyết định xin nghỉ việc dù đã gắn bó với công ty 3 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn