MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết có "không tử tế" với công ty?

LƯƠNG HẠNH LDO | 29/12/2022 09:39
Người lao động cho rằng, thưởng Tết là khoản xứng đáng được nhận sau một năm miệt mài làm việc. Không thể lấy hai chữ "tử tế" để đánh giá nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng.

Dù đang chán chường với công việc chỉ có mức lương vẻn vẹn hơn 7 triệu đồng/tháng, không có thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào, Nguyễn Thị Mỹ Linh (Yên Bái) cũng vẫn phải tiếp tục bám trụ tại công ty. Công việc của một kế toán kho khiến Mỹ Linh luôn "bù đầu" với các con số mỗi ngày, mỗi tháng. Dù làm tốt phần việc của mình, chưa một lần than vãn về những áp lực, khó khăn gặp phải trong công việc, thế nhưng 2 năm qua, Mỹ Linh vẫn chỉ giữ nguyên mức lương cơ bản.

"Chị gái tôi đã đi lấy chồng. Bố mẹ mong mỏi tôi ra trường về làm ở gần nhà. Do đó sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có khoảng 2 tháng chuyển hẳn về quê vì theo nguyện vọng gia đình. Làm công chức ở quê, tôi có sự ổn định nhưng mức lương quá thấp, không có sự đam mê trong công việc nên tôi thuyết phục bố mẹ cho quay lại Hà Nội để tự đi tìm công việc mình yêu thích", nữ nhân viên tâm sự. 

Dù cố gắng vượt qua sự ngăn cản của gia đình, Mỹ Linh cứ ngỡ tìm được nơi để dành trọn sự cống hiến, song đổi lại là sự thất vọng tràn trề. Chị dự định sau khi nhận thưởng Tết sẽ xin chấm dứt hợp đồng làm việc.

Khi được hỏi về việc có "không tử tế" với công ty khi nghỉ việc ngay sau nhận thưởng, Mỹ Linh cho rằng khoản tiền thưởng Tết là loại thù lao công ty trả cho những đóng của nhân trong năm cũ. Đây không phải khoản tiền trả trước để nhân viên gắn bó và cống hiến trong năm mới. 

"Làm tốt thì được thưởng, làm không tốt thì không được nhận hoặc thậm chí bị phạt. Không thể coi khoản tiền này như một ràng buộc với người lao động. Nếu làm chưa tốt mà đòi hỏi lương cao, thưởng nhiều thì nhân viên đó mới gọi là không tử tế vối công ty", Mỹ Linh nhận định.

Trần Thị Hà Linh (Hà Đông) làm phiên dịch viên tiếng Hàn ở một doanh nghiệp cung cấp bộ lưu điện cho công ty tại các khu công nghiệp. Công việc này đòi hỏi Hà Linh thường xuyên phải di chuyển giữa Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Đến nay Hà Linh đã làm công việc này được 1,5 năm với mức lương khoảng 10-15 triệu đồng/tháng đã bao gồm các phụ cấp. Nhớ lại khoản thưởng Tết năm 2021, Hà Linh nhận được một tháng lương cơ bản là 7 triệu đồng. 

Bên cạnh việc đi làm, Hà Linh tham gia các khóa học tiếng Hàn vào buổi tối. Thu nhập giảm khiến Hà Linh không còn thiết tha gắn bó với công ty. Ảnh: Hà Linh.

"Năm ngoái số tiền thưởng Tết mà tôi nhận được chỉ đủ để tôi mua sắm vài bộ quần áo cho các cháu, ít thực phẩm bổ dưỡng cho ông bà. Còn lại tôi để lì xì bố mẹ là cũng hết, không sắm sửa gì được cho bản thân", Hà Linh tâm sự.

Năm nay, công ty của Hà Linh làm ăn "thất bát", rơi vào cảnh sắp phá sản vì không có đơn hàng, hợp đồng. Do đó, Hà Linh rất lo ngại khi năm nay sẽ không nhận được khoản tiền này. Điều này đồng nghĩa với việc nữ phiên dịch sẽ không thể có khoản tiền trang trải cuộc sống khi Tết Nguyên đán 2023 cận kề.

"Tôi có một vị sếp người Hàn Quốc rất tâm lý. Anh ấy khuyên nhân viên cứ đi tìm những công việc parttime khi công ty không có việc để kiếm thêm thu nhập. Trước khi lo cho công ty, nhân viên phải sống được đã. Với một vị sếp tốt nhưng lương thấp, thưởng không có thì rất khó giữ chân nhân viên", Hà Linh chia sẻ.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn