MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý nghệ sĩ khá giả được nhận hỗ trợ, lao động mất việc lại chưa

Bảo Hân LDO | 02/09/2021 16:42

Thông tin một số nghệ sĩ nổi tiếng và có kinh tế khá giả nhận hỗ trợ 3,7 triệu đồng/tháng làm nhiều người bất ngờ. Đặt trong bối cảnh nhiều công nhân, lao động tự do bị mất việc đang rất mong chờ hỗ trợ, thì đó là một nghịch lý cần được giải quyết.

Gói 26.000 tỉ đồng đang được triển khai đến các đối tượng được thụ hưởng. Người mong chờ gói hỗ trợ này nhất có lẽ là những công nhân, lao động tự do mất việc. 

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, đến nay cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68.

Số tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỉ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỉ đồng được nhận, 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ. 

Tuy nhiên, như chính Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, qua theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các đối tượng cho thấy, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao. Điều này đồng nghĩa còn nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng chính sách này. 

Thực tế, thời gian gần đây, đường dây nóng Báo Lao Động liên tục nhận được các cuộc gọi hỏi về thủ tục hỗ trợ cũng như bày tỏ mong muốn được hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng khi chưa thấy mình được hỗ trợ.

Các cuộc gọi chủ yếu là của các công nhân bị mất việc, lao động tự do. Họ đều than, cuộc sống của họ đều đang rất khó khăn, thiếu thốn, rất cần sự hỗ trợ kịp thời. Công việc “ráo mồ hôi là hết tiền”, khiến khi phải nghỉ việc, họ hầu như không có tích luỹ, cuộc sống vô cùng chật vật.

Đặt trong bối cảnh còn nhiều lao động tự do đang mong được hỗ trợ câu chuyện các nghệ sĩ nổi tiếng, khá giả được nhận hỗ trợ là một nghịch lý rất tréo ngoe. Ở đây, những nghệ sĩ hoàn toàn không có lỗi.

Những nghệ sĩ này được xét duyệt dựa trên các căn cứ “giấy trắng mực đen” được đặt ra. Theo quy định, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 thuộc đối tượng hỗ trợ khó khăn của gói 26.000 tỉ đồng. 

Tất nhiên, đối tượng là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì khác với đối tượng là công nhân, lao động tự do, nhưng xét cho cùng, họ đều là đối tượng thụ hưởng của gói 26.000 tỉ đồng, đều là những người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.  

Cảnh sống bên trong nơi thuê trọ của nhóm thợ sắt ở khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách. Ảnh: Hải Nguyễn 

Vì vậy, từ sự việc các nghệ sĩ khá giả lại được nhận hỗ trợ, trong khi vẫn còn nhiều công nhân, lao động tự do có cuộc sống thiếu thốn, chật vật hơn rất nhiều lần nhưng đến nay, vì lý do nào đó, chưa được nhận hỗ trợ, cần xem lại quy định cũng như thủ tục, quá trình triển khai gói hỗ trợ này để đảm bảo hỗ trợ trúng, đúng và kịp thời đến các đối tượng trong lúc họ đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn