MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuồng trại dưới chân mỏ đá của hộ ông Triệu Văn Thiết bị đá lăn phá nát. Ảnh: NVCC.

Nghịch lý sống bất an dưới chân mỏ đá nhưng dân quyết không di dời

NGUYỄN TÙNG - NGUYỄN HOÀN LDO | 14/03/2023 14:16

Mặc dù nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, đá lăn nhưng do chưa thống nhất phương án di dời nên người dân bất chấp nguy hiểm bám trụ dưới chân mỏ đá Lân Đăm 3, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

Bám trụ trong thấp thỏm, lo lắng

Trước đó, Báo Lao Động phản ánh về tình cảnh sống trong bất an, lo sợ, có nhà nhưng không dám về ở của nhiều hộ dân dưới chân mỏ đá Lân Đăm 3, xóm Thống Nhất, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

Theo người dân địa phương, vào tháng 5.2021, tại đây cũng đã từng xảy ra vụ sạt lở đá nghiêm trọng nằm ở mặt sau của mỏ đá Lân Đăm 3. Những tảng đá lớn từ đỉnh núi lăn xuống vườn người dân, lao ra ruộng gây hư hại 20m đường bê tông và 0,1 ha đất vườn, ruộng.

Sạt lở mặt sau mỏ đá khiến đường bị hư hại. 

Số liệu từ UBND xã Quang Sơn cung cấp cho thấy, hiện tại có 4 hộ dân xác định nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp, vùng có nguy cơ sạt lở. Mặc dù nguy hiểm cận kề nhưng các hộ dân đến nay vẫn quyết bám trụ.

Nguyên nhân được cho là các hộ dân chưa đồng ý với phương án hỗ trợ của Công ty TNHH Chiến Thắng (đơn vị khai thác mỏ đá Lân Đăm 3). Sự việc này đã kéo dài suốt thời gian qua nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.

Chị La Thị Định, xóm Thống Nhất, xã Quang Sơn cho biết: "Kể từ khi có hoạt động nổ mìn ở mặt sau của núi đá, các công trình nhà ở của người dân dưới chân núi đá bỗng xuất hiện các vết nứt, gãy, đá rơi vào nhà, vườn nhưng tôi chưa thấy doanh nghiệp có ý kiến hoặc hỗ trợ cho người dân".

Vụ sạt lở đá tại khu vực chân núi, nằm mặt sau của mỏ đá khiến nhiều hộ dân thiệt hại nặng nề. 

Cũng theo chị Định, từ sau vụ sạt lở đá năm 2021, doanh nghiệp mới có thoả thuận hỗ trợ người dân di dời khỏi chân núi. Tuy vậy, các hộ dân chưa đồng ý bởi với 300 triệu hỗ trợ thì không thể mua đất hoặc xây nhà nên giờ vẫn phải bám trụ lại ở đây.

Tương tự, hộ gia đình chị Trần Thị Thìn cũng chưa di dời mà quyết bám trụ bởi mức hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra không đủ để gia đình chị có thể tìm nơi an cư, lạc nghiệp.

"Mặc dù biết là nguy hiểm nhưng với số tiền doanh nghiệp hỗ trợ như vậy, nếu đi thì tôi cũng không biết đi đâu với số tiền đó bây giờ. Mong muốn chính quyền các cấp sớm có phương án xử lý để người dân an tâm sinh sống, làm ăn" - chị Thìn than thở.

Chưa có phương án di dời

Ngày 13.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Khúc Kim Quảng - Quyền Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết, hiện tại phương án tổ chức di dời các hộ dân dưới chân núi Lân Đăm 3 khỏi vùng có nguy cơ sạt lở vẫn chưa có do người dân chưa đồng ý với phương án hỗ trợ mỏ đá đưa ra. 

  Hiện tại chưa có phương án di dời 4 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở vì lý do các hộ chưa đồng ý với phương án của doanh nghiệp.

Theo ông Quảng, phương án doanh nghiệp đưa ra là sẽ hỗ trợ người dân di dời ra vị trí an toàn. Số tiền hỗ trợ tương đương với xây nhà ở vị trí cũ, ngoài ra doanh nghiệp hỗ trợ máy móc san đất, vật liệu xây dựng.

Về đất, người dân sẽ sử dụng đất đồi sẵn có để xây dựng, nhà nước sẽ tạo điều kiện chuyển đổi hoặc sau có thể quay trở lại nơi ở cũ sinh sống bình thường.

Ông Quảng lo lắng: "Thời gian tới là mùa mưa lũ, nơi người dân ở thuộc vùng có nguy cơ sạt lở, đe doạ tính mạng hộ dân. Hiện tại, địa phương đang tuyên truyền, khẩn trương tìm cách hỗ trợ người dân bằng mọi cách.

Quan trọng phải đảm bảo an toàn cho người dân, sau đó sẽ tính toán thiệt hại, mong muốn làm sao giải quyết dứt điểm".

Ngày 2.3, tại buổi họp tại xã Quang Sơn và các Sở, ngành liên quan đã đánh giá và thống nhất phương án xử lý, trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, Công ty TNHH Chiến Thắng khẩn trương gửi phương án tổ chức di chuyển 4 hộ dân bị ảnh hưởng về UBND huyện để làm căn cứ thực hiện. 

Tuy nhiên đến nay, Công ty TNHH Chiến Thắng vẫn chưa có phương án di dời gửi UBND huyện Đồng Hỷ.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn