MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm dự thi KHKT dành cho học sinh được giới thiệu trên mạng xã hội dành cho ai có nhu cầu "tư vấn, thiết kế". Ảnh: QĐ

Nghịch lý thi khoa học kĩ thuật: Thầy tất tả đi tìm dự án cho học sinh

QUANG ĐẠI LDO | 08/11/2022 09:54

Mục đích cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh là hoàn toàn tự nguyện, nhưng trong thực tế không ít nhà trường, giáo viên rơi vào thế buộc phải có sản phẩm dự thi.

Quy chế thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học (ban hành kèm theo Thông tư số 38 ngày 2.11.2012 của Bộ GDĐT) nêu mục đích cuộc thi: “Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống”.

Văn bản nói trên cũng không có nội dung giao chỉ tiêu bắt buộc cho các địa phương, cơ sở giáo dục phải có dự án dự thi hàng năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai, cuộc thi khoa học kỹ thuật trở thành một hoạt động quan trọng của giáo dục, hằng năm các Sở GDĐT đều có văn bản chỉ đạo tổ chức cuộc thi.

Việc tham gia cuộc thi đã trở thành một tiêu chí chấm điểm thi đua hằng năm của các trường. Nếu nhà trường không tham dự hoặc có quá ít dự án dự thi, sẽ bị trừ điểm thi đua, phê bình, nhắc nhở.

Ngược lại, thành tích của cuộc thi được đánh giá tương đương với thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, nhà trường, giáo viên, học sinh được khen thưởng và nhiều quyền lợi kèm theo.

Do đó, đối với các trường, cuộc thi khoa học kỹ thuật là một hoạt động quan trọng, không thể thiếu. Để có dự án dự thi, nhà trường đã giao nhiệm vụ về cho các tổ chuyên môn, và các tổ lại phân công nhiệm vụ cho giáo viên, buộc phải có dự án dự thi hàng năm.

“Tôi được phân công nhiệm vụ, nên phải tìm học sinh để thực hiện. Đề tài, dự án thầy trò cùng làm, ý tưởng của giáo viên, phần việc của giáo viên là chủ yếu, chứ để học sinh tự nguyện thì không thể có dự án dự thi. Năm nào cũng làm nên để có dự án khả thi vô cùng vất vả” – một giáo viên THPT tại Hà Tĩnh cho biết.

Giáo viên nói trên cũng thừa nhận về nguyên tắc cuộc thi là tự nguyện và phải xuất phát từ học sinh, nếu học sinh không có khả năng, không có ý tưởng thì không có dự án. Nhưng tại không ít cơ sở giáo dục, thực tế cuộc thi đang diễn ra chiều ngược lại, là do giáo viên cần dự án dự thi nên đi tìm…học sinh để thực hiện.

Một số giáo viên khác cũng cho biết bản thân đã từng bán dự án dự thi cho các giáo viên khác. Tình trạng mua bán dự án dự thi khoa học kỹ thuật diễn ra rầm rộ nhiều năm qua trên một số trang mạng xã hội, cũng chủ yếu diễn ra giữa các giáo viên với nhau.

Một hiệu trưởng trường phổ thông tại Hà Tĩnh cho biết nhiều trường phải đầu tư số tiền không nhỏ để hỗ trợ cho việc thực hiện, triển khai các dự án thi khoa học kỹ thuật do tình thế bắt buộc phải tham gia. Vị hiệu trưởng này mong muốn cuộc thi được tổ chức tự nguyện một cách đúng nghĩa, là không đánh giá, chấm điểm thi đua, so sánh trường này với trường khác, không giao chỉ tiêu mỗi trường phải có bao nhiêu dự án dự thi hàng năm.

“Việc bắt buộc phải dự thi, liên tục có dự án hàng năm gây áp lực rất lớn cho nhà trường, giáo viên” – vị Hiệu trưởng khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn