MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Cát Tường từng nhiều lần xin lỗi vì quảng cáo sai. Ảnh: CMH

Nghiêm cấm kinh doanh dược trên mạng xã hội là cần thiết, cần được ủng hộ

Hoàng Văn Minh LDO | 20/06/2024 16:45

Thông tin rất đáng chú ý là dự thảo Luật Dược (sửa đổi) nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội.

Dự án luật Dược (sửa đổi) đang được Bộ Y tế trình tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV có một nội dung rất đáng chú ý là nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội.

Tuy nhiên trong thực tế, tình trạng bán thuốc, đặc biệt có cả những loại thuốc đúng ra theo quy định phải có bác sĩ kê đơn mới được bán… trên các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến, thậm chí trở thành chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”.

Các sản phẩm này được chuyển đến tay người bệnh mà không thông qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn với sức khỏe, quyền lợi người dân.

Thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều đến mức đếm không hết những vụ “tai biến” nặng thì chết người, nhẹ thì “tiền mất tật mang” do tự ý mua thuốc trên các nền tảng mạng xã hội về dùng, cộng với phác đồ điều trị bệnh của “bác sĩ Google”.

Thêm nữa, việc để các đơn vị, cá nhân livestream, quảng cáo bán thuốc trên mạng xã hội còn tạo ra sự bất bình đẳng trong phân phối của ngành dược cũng như thất thu thuế cho Nhà nước.

Lý do, muốn mở một quầy thuốc thì phải đáp ứng đầy đủ quy định về cơ sở vật chất, nhân sự và chất lượng thuốc bày bán và phải nộp thuế.

Những người bán thuốc phải là dược sĩ, việc tư vấn bán hàng và theo dõi người bệnh phải theo quy trình, ngoài ra không được quảng cáo thuốc theo quy định của Bộ Y tế.

Trong khi nhiều người bán thuốc trên mạng, họ không cần hay có gì cả nhưng lại “được” làm tất cả, thậm chí là cả quảng cáo sai sự thật và phần lớn không nộp thuế, trốn thuế.

Vậy nên, nội dung nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội đề xuất trong dự án Luật Dược (sửa đổi) lần này là cần thiết, cần được ủng hộ mạnh mẽ để thông qua, thực hiện sớm để trước hết đảm bảo lợi ích, an toàn sức khỏe người dân.

Hay nói như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận hôm 18.6 là: “Không để nội dung quảng cáo sai lệch về thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo".

Một vấn đề nữa, thiết nghĩ cũng cần "luật hóa" để có cơ sở xử lý mạnh tay hơn là tình trạng quảng cáo sai sự thật có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, điển hình như Quyền Linh, Cát Tường, Lê Giang, Hồng Vân... về thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội như thời gian qua mà Báo Lao Động đã nhiều lần lên tiếng.

Mặc dù thực phẩm chức năng "không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhưng việc dùng không đúng cách, lạm dụng hoặc dùng thay cho thuốc chữa nhiều bệnh nan y như quảng cáo thổi phồng cũng gây hệ lụy, thậm chí "tai biến" và "tiền mất tật mang" cũng không kém so với thuốc!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn