MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiện internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc, dẫn tới rối loạn tâm thần. Ảnh minh hoạ: Hạ Mây

Nghiện Internet: Cha mẹ hãy giúp con thoát khỏi "không gian ảo"

Hạ Mây LDO | 08/01/2021 14:47

Nghiện internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc, dẫn tới rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm... Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn dẫn tới những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Những câu chuyện buồn của nghiện internet

Tại Nghệ An, giữa tháng 6 vừa qua có một vụ án chấn động dư luận khi một học sinh lớp 11 khai nhận đã “làm theo trò chơi điện tử” để bắt cóc em bé 5 tuổi gần nhà đem giấu trong rừng.

Vụ việc trên đã dẫn đến cái chết thương tâm của bé. Trước đó, vào năm 2019, một thanh niên nghiện game, có những biểu hiện bất thường về tâm thần ở Thanh Hoá đã xông vào trường tiểu học dùng dao đâm cô giáo và một số học sinh khiến một em tử vong.

Đằng sau câu chuyện đau lòng của các gia đình nạn nhân lẫn thủ phạm là câu hỏi trăn trở dành cho phụ huynh, người làm giáo dục và những nhà chuyên môn có liên quan.

Đối diện với thực trạng trên, liệu đâu là giải pháp cho gia đình và xã hội nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của lạm dụng internet đối với con em mình?

Đâu là giải pháp?

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), việc giáo dục và truyền thông những tác hại của lạm dụng internet và cách hướng dẫn về việc sử dụng mạng một cách an toàn, hiệu quả phải được đẩy mạnh trong nhà trường.

Những kỹ năng về cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng cần được chú trọng như một kỹ năng sống cho học sinh trong thời hiện đại.

Ngoài ra, những bộ câu hỏi đánh giá nguy cơ nghiện internet cũng cần được các chuyên gia tâm lý xây dựng để giúp thầy cô nhận diện được các học sinh có vấn đề.

Tỉnh Kagawa của Nhật Bản, vào tháng 4.2020 đã tiên phong đưa ra yêu cầu cha mẹ giới hạn thời gian chơi điện tử của con cái tối đa 60 phút/ ngày và không quá 90 phút vào dịp cuối tuần.

Bên cạnh đó, đối với những người đã được xác định lạm dụng internet, phải có mô hình can thiệp trị liệu hỗ trợ. Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Loan – nguyên Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Đại học Hoa Sen đã áp dụng thành công mô hình trị liệu trong gần 2 năm cho 5 người đàn ông có tình trạng lạm dụng Internet tại TPHCM.

Kết quả trị liệu cho các đối tượng trên cho thấy mức độ tự tin của họ tăng lên, mức độ cô đơn và ám sợ xã hội giảm bớt. Tình trạng lệ thuộc vào Internet cũng không còn. Các đối tượng đã chủ động quản lý được thời gian hợp lý và xây dựng được mục tiêu cụ thể trước mỗi lần sử dụng Internet.

Điều này cho thấy, khi giúp những đối tượng trên gia tăng sự tự tin có thể làm giảm tình trạng lạm dụng internet nơi họ.

Một trong những cách thức cơ bản mà phụ huynh có thể áp dụng là hãy chấp nhận và khen ngợi những điểm tích cực ở con. Đừng so sánh trẻ với con nhà người ta hoặc các chuẩn mực mà ba mẹ muốn hướng đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn