MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngoài 40 tuổi, nhiều lao động không dám nghỉ vì sợ khó xin việc

Mạnh Cường LDO | 13/03/2023 06:56

Rất ít công ty tuyển dụng người lao động trên 40 tuổi trừ một số vị trí, công việc đặc thù. Điều này vô tình khiến nhiều người lao động cảm thấy e ngại, chấp nhận ở lại gắn bó với công việc đang làm mặc dù không còn hứng thú.

Anh Nguyễn Đức Kiên (42 tuổi) - kỹ thuật viên làm việc tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ - bản thân muốn nghỉ công việc hiện tại nhưng lại đắn đo vì không biết sau khi nghỉ sẽ làm gì.

Lý do anh Kiên đưa ra đó là thường xuyên phải làm việc trên cao, thời tiết nắng gắt trong khi đã có tuổi. Bên cạnh đó, anh cũng muốn về quê làm việc để gần gia đình hơn.

Anh Kiên thường xuyên phải làm việc trên cao, thời tiết nắng gắt nên nhiều lúc muốn xin nghỉ để chuyển đổi công việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Công việc anh Kiên đang làm được đóng bảo hiểm hàng tháng, có lượng khách hàng thường xuyên nên thu nhập cũng ổn định. Mùa hè thì sửa chữa, lắp đặt điều hòa, mùa đông thì sửa bình nóng lạnh, quạt sưởi… dù ít khách vẫn có lương cứng nên không lo lắng nhiều.

Nếu chọn về quê, lượng khách hàng ít mà tiền công cũng thấp. "Những lúc không có khách đồng nghĩa không có tiền. Tôi đã tìm hiểu qua một vài công ty nhưng toàn yêu cầu trẻ tuổi, thậm chí phải có bằng cao đẳng trở lên" - anh Kiên trầm tư.

Cánh cửa việc làm với lao động ngoài 40 tuổi như anh Kiên càng hẹp hơn. Anh Kiên chấp nhận ở lại thành phố làm việc, xa gia đình.

Công việc trên này nhiều, vất vả hơn nhưng đôi khi gặp được khách tâm lý, anh Kiên cũng cảm thấy vui. "Khách hàng thấy tôi chịu khó nên thường gửi thêm tiền. Có những lúc tính riêng tiền khách “cảm ơn” đã gần bằng tiền lương" - anh Kiên nói.

Nói về dự định sắp tới, anh Kiên chia sẻ sẽ làm thêm một vài năm nữa, thậm chí đến khi đứa lớn học xong đại học thì ngừng việc.

Tích góp một khoản kha khá rồi về quê góp vốn làm ăn chung hoặc mở một tiệm sửa chữa đồ điện gia dụng nhỏ. Đến lúc đó không cần kiếm nhiều, đảm bảo sinh hoạt hàng ngày là đủ - đó là dự định của anh Kiên tại thời điểm này.

Chị Phạm Thị Liên (48 tuổi) - công nhân giày da tại Nam Định thường xuyên than phiền với người nhà về áp lực công việc.

Tổ của chị trước có 30 người phụ trách 15 dàn máy, bây giờ cắt giảm còn 15 người nhưng vẫn giữ nguyên 15 dàn máy. Đã vậy chị còn thường xuyên bị ép sản lượng đến mức trưa ăn cơm xong chỉ kịp nghỉ 5 phút rồi lại vào làm gấp.

Do tuổi đã cao nên nếu nghỉ chị Liên sẽ rất khó xin được việc làm tương tự. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Rất nhiều lần chị Liên chuẩn bị viết đơn xin nghỉ nhưng dò hỏi một số công ty khác thì chị lại dè chừng. Bởi ở độ tuổi của chị Liên, đếm trên đầu ngón tay, tìm mỏi mắt mới thấy có công ty tuyển.

Tuy nhiên, công ty còn tuyển lại làm công việc trong môi trường độc hại càng khiến chị Liên nản lòng.

"Xin việc ở các công ty giày da hoặc công ty may, đóng gói không công ty nào nhận. Họ cho rằng độ tuổi này, chân, tay và mắt đã không còn linh hoạt như trước. Khi làm việc sẽ không đạt được hiệu quả, thậm chí còn làm hỏng hàng" - chị Liên nghẹn ngào kể lại.

Nữ công nhân cũng chia sẻ thường xuyên với con cái nhưng do các con vẫn chưa ổn định nên không giúp được nhiều.

Con cả khuyên mẹ cố gắng làm khoảng 2 đến 3 năm nữa. Lúc đó mọi thứ ổn định sẽ phụng dưỡng cha mẹ và đóng nốt số năm bảo hiểm xã hội còn thiếu để chị có lương hưu an tâm tận hưởng cuộc sống về sau.

Vì vậy, chị Liên cố ở lại công ty thêm vài năm nữa để đóng bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn