MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa: Hoàng Đặng.

Ngôn luận thời @

LÂM CHÍ DŨNG LDO | 28/01/2020 14:05
Ngôn luận được hiểu là việc “phát biểu, bày tỏ ý kiến một cách công khai, rộng rãi về những vấn đề chung như chính trị, kinh tế, xã hội,...”.  Theo cách hiểu này, đặc tính cơ bản của ngôn luận là tính công cộng thể hiện ở cách phát biểu “công khai, rộng rãi” và chủ đề phát biểu.  

Cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đã tạo nên những thay đổi ngoạn mục, thậm chí có thể nói là không thể hình dung trước được về đặc điểm và tác động của ngôn luận lên đời sống xã hội. Nó tạo nên những cơ hội và thách thức chưa từng có đối với từng cá nhân, tổ chức và những nhà quản lý ở các cấp độ khác nhau.

1. Đâu là những đặc điểm cơ bản của ngôn luận trong thời đại số hóa?

Thứ nhất, tính đại chúng và phổ cập. Ngôn luận không còn là độc quyền của truyền thông chính thức hoặc của một vài tầng lớp tinh hoa chẳng hạn chuyên gia, nhà quản lý, chính khách... Bây giờ là thời mà bất kỳ cá nhân nào sở hữu một tài khoản mạng xã hội -  mà việc sở hữu đó cũng rất dễ dàng nếu anh ta muốn - hoặc đơn thuần chỉ là người sử dụng dịch vụ báo điện tử đều có thể biểu đạt ngôn luận dưới dạng những bình luận hoặc dưới dạng tự xuất bản các bài viết. Nói khác, mỗi người đều có thể là một “nhà báo tiềm năng” vào bất kỳ lúc nào anh ta muốn.

Hơn nữa, điều này dẫn đến một hệ quả là sự tháo gỡ những rào cản về quy trình xuất bản/công bố của báo chí truyền thống. Quy trình này tạo nên tính thứ bậc và phân quyền theo chiều dọc của hệ thống. Trong khi đó, mạng xã hội cho phép mỗi tài khoản người dùng tự chịu trách nhiệm và hầu như không còn (hoặc còn rất ít) sự phân cấp, phân quyền, cũng như bất kỳ khâu kiểm soát trước nào về việc công bố ý kiến.   

Thứ hai, tính tức thời. Khoảng cách thời gian giữa những điều mà một cá nhân suy nghĩ đến thời điểm công bố ý kiến của mình được rút ngắn đến mức gần như bằng không. Một người dùng mạng xã hội hoặc truy cập báo điện tử hoàn toàn có thể thể hiện những bình luận đa dạng một cách tức thời. Cũng như vậy, bất kỳ người sở hữu tài khoản mạng nào cũng có thể tùy ý đăng các bài viết của mình ở bất kỳ thời điểm nào anh ta muốn ngay lập tức mà không phải chờ đợi thủ tục của quy trình xuất bản.

Tính tức thời cũng thể hiện ở đặc tính phổ biến các ý kiến ngay lập tức (với tốc độ điện từ) mà hoàn toàn không bị giới hạn về khoảng cách không gian. Rõ ràng, rào cản về thời gian, không gian đã được bãi bỏ và nhờ đó, tối thiểu hóa chi phí truyền thông. Điều này, đến lượt nó lại củng cố tính chất đại chúng và phổ cập nói ở trên.

- Thứ ba, tính tương tác và “vô nhân xưng”. Mạng xã hội (và ở chừng mực nào đó báo điện tử) đã cung cấp một môi trường tương tác có thể nói là không giới hạn về nhiều phương diện cho người dùng. Người ta có thể bày tỏ cảm xúc, nhận xét, tranh luận, bàn bạc ngay tức thời với một phạm vi bao quát nhất có thể thông qua những công cụ ngày càng đa dạng và sáng tạo, hấp dẫn từ những nhà cung cấp dịch vụ. Điều này lại đi cùng với một đặc tính nổi trội khác là tính “vô nhân xưng” của người phát biểu.

Dĩ nhiên, tính “vô nhân xưng” cũng chỉ được hiểu một cách tương đối theo đó, người phát biểu có thể hoàn toàn ẩn danh với cộng đồng (nếu họ muốn), hoặc thông tin về họ cũng không đáng kể, nói khác, nhân thân của người phát biểu trong một số trường hợp là “hộp đen” đối với người tương tác.      

Thứ tư, tính đa phương tiện. Sự kết hợp cùng lúc các phương tiện biểu đạt trong một phát biểu đã làm cho hiệu quả truyền thông tăng gấp bội. Một phát biểu có thể kết hợp cả chữ viết, hình ảnh tĩnh hoặc động, âm thanh, đặc biệt là theo thời gian thực (nếu muốn). Điều đáng nói là công nghệ đã cho phép tối thiểu hóa chi phí làm cho những cá nhân, tổ chức nghiệp dư cũng có thể tham gia với một mức độ ngày càng chuyên nghiệp hơn dưới tác động của thu nhập nhận được từ mạng xã hội.      

2. Những đặc điểm nói trên mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Trước hết, nó đóng góp một cách thực chất vào quá trình dân chủ hóa, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình này khi mà mỗi cá nhân đều không những có quyền mà còn có thể dễ dàng thực hành quyền biểu đạt ý kiến qua các kênh đa dạng. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân chủ là để cho người dân được mở miệng”. Tuy nhiên, trong một xã hội truyền thống, kể cả ở những nước phát triển, quyền biểu đạt ý kiến của các công dân đã bị hạn chế rất nhiều do các yếu tố có tính kỹ thuật, chẳng hạn, khả năng chia sẻ, phổ biến, rào cản về xuất bản.

Những rào cản về kỹ thuật này hầu như đã được dỡ bỏ dễ dàng trong thời đại của công nghệ số hóa. Đó chính là sự tiến bộ có ý nghĩa nhân văn. Hệ quả dễ thấy của điều này là đã giúp hiện thực hóa giấc mơ có tính lý tưởng  về một môi trường ngôn luận bình đẳng. Theo đó, các cá nhân bất kể địa vị xã hội, tài sản, nguồn gốc xuất thân... đều có cơ hội bình đẳng để tham gia biểu đạt ý kiến.

Đương nhiên, con đường để đạt đến sự bình đẳng còn phụ thuộc vào nhiều biến số khác: văn hóa, thiết chế xã hội,... và không dễ đến đích trong một sớm, một chiều. Nhưng kể cả trong giới hạn hiện tại cũng có thể chứng kiến nhiều thay đổi thật thú vị. Đó là hiện tượng “trăm nhà đua tiếng”. Chính sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần xã hội từ nhiều vị trí, nghề nghiệp, giai tầng khác nhau phản ảnh được tính đa dạng của các ý kiến, các quan điểm nhận thức trong xã hội hiện đại.

Hơn nữa, sự phản ảnh là trực tiếp chứ không gián tiếp thông qua hoạt động thu thập, xử lý thông tin của các nhân tố trung gian chẳng hạn, các tổ chức khảo sát ý kiến, các đại diện dân cử hoặc thậm chí truyền thống chính thức. Thông tin gián tiếp dễ bị những yếu tố chi phối tạo ra sai số cả khi người ta không chủ ý làm lệch thông tin.              

Ở khía cạnh tích cực, điều này mang lại cho các cơ quan quản lý xã hội cơ hội thu nhận các ý kiến một cách trực tiếp, chân thực, trực diện vào những vấn đề nóng, điểm nóng, không vòng vo, không né tránh và nhờ đó mà nắm bắt được các xu hướng của công luận. Nếu thực sự cầu thị, điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho hoạt động quản lý xã hội. Có thể nói, đó là cơ hội bằng vàng để thu nhận các phản hồi, từ đó có ngay các đáp ứng phù hợp và kịp thời, không để dẫn đến những diễn biến bất lợi, mất kiểm soát. Đó cũng là dữ kiện để qua đó định hướng công luận.

Mặt khác, thực tiễn đã cho thấy, công luận thông qua mạng xã hội đã điều chỉnh hành vi, tác động tích cực trong việc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội của các cá nhân, tổ chức trong cả khu vực công lẫn khu vực tư. Những tác động này trong một số trường hợp đã tạo nên hiệu quả không ngờ. 

Tuy nhiên, mặt trái của tấm huy chương cũng đã bộc lộ. Vấn đề hàng đầu là chất lượng thông tin. Do thiếu một hệ thống các thủ tục bình duyệt, biên tập, thông tin được công bố có độ tin cậy thấp, trong nhiều trường hợp chưa được kiểm chứng, chưa nói là cố tình xuyên tạc, thổi phồng, chạy theo các tin đồn... Đặc điểm “vô nhân xưng” cũng làm mờ nhạt trách nhiệm cá nhân của người phát ngôn dẫn tới tồn tại khá nhiều những biểu đạt mang tính tiêu cực, truyền bá tư tưởng thù địch, phản nhân văn, kích động bạo lực...

Năng lượng tiêu cực dễ chiếm ưu thế so với năng lượng tích cực trên mạng xã hội do đặc điểm tự nhiên của tin tức là “tin tốt không phải là tin (Good news is not news)” trong khi tính phổ cập, đại chúng dễ dẫn đến xu hướng quyền lực lấn át của đám đông trên mạng xã hội. Tính phổ cập, đại chúng còn dẫn đến một hệ quả tiêu cực khác là tạo nên tình trạng giải phân cấp một cách tự phát giữa tất cả các chủ thể phát ngôn. Qua đó, làm mờ nhạt vai trò của chuyên gia, hiểu theo nghĩa những người có điều kiện nắm vững hồ sơ một cách tường tận và do đó nhận định của họ phải được coi là có trọng lượng.

Nhưng trong thực tế, nhiều khi năng lực phát ngôn của họ bị lấn át, thậm chí bị chìm nghỉm trước sự lấn át của quyền lực đám đông. Một phản ứng tự vệ tất yếu sẽ được lựa chọn là họ chọn cách im lặng hoặc xuôi chiều theo ý kiến đám đông để tránh bị ném đá. Không gì tai hại hơn điều đó.

Những điều nói trên sẽ cộng hưởng với đặc điểm tương tác, tức thời sẽ khuếch đại những yếu tố tiêu cực của mạng xã hội. Đôi lúc nó như những làn sóng theo xu hướng cực đoan mà cực đoan ở đâu cũng đều rất xa chân lý của đời sống. Một số không nhỏ các cá nhân nhân danh cá tính, sự độc đáo, tinh thần phản biện để biểu đạt ngôn luận nhưng rốt cuộc do thiếu dữ kiện, do thiếu hụt về kiến thức, do sai sót về phương pháp, do thiếu kỹ năng diễn đạt… trên thực tế họ đã bị làm mồi cho những đám “kền kền mạng” một cách vô tình hoặc về thực chất họ cũng chỉ phát ngôn lại những xu hướng có tính đám đông. Những tác hại bề nổi dễ thấy nhưng tác hại lớn hơn nhiều chính là ở chỗ những nhận thức chừng mực và có chiều sâu, có trách nhiệm sẽ dần có vị trí ngày càng khiêm tốn và những xu hướng hời hợt, dễ dãi dễ chiếm ưu thế.       

3. Dù lợi hay hại, xét theo góc nhìn này hay góc nhìn khác, những xu hướng ngôn luận đan xen giữa tích cực và tiêu cực của thời đại số hóa cũng không thể đảo ngược. Nếu chúng ta không muốn lạc hậu, không muốn tự cô lập thì thái độ đúng đắn nhất là chấp nhận, từ đó nghiên cứu, dự báo và lựa chọn chiến lược ứng xử thích hợp nhằm khai thác tốt nhất các cơ hội, đối phó tiến đến khắc chế một cách hữu hiệu các thách thức. Không thể khác.

Cần thấy là, trong bất kỳ tình huống nào tự do ngôn luận luôn đi kèm với trách nhiệm cá nhân. Trong điều kiện các rào cản tiền kiểm gần như bị buông lỏng trên thực tế, trách nhiệm cá nhân càng phải được đề cao. Mỗi cá nhân tham gia các hình thức ngôn luận cần phải học để biết rõ các quyền và nghĩa vụ luật định cũng như trách nhiệm đạo đức khi công bố các ý kiến trước cộng đồng.

Quán tính khá nặng của cơ chế quan liêu bao cấp làm cho xã hội chúng ta dễ vướng vào hai thái cực có tương quan với nhau: Triệt tiêu các động lực cá nhân và quá đề cao trách nhiệm của quản lý nhà nước mà xem nhẹ trách nhiệm cá nhân. Một xã hội càng văn minh càng phải đề cao trách nhiệm cá nhân. Đây không phải là câu chuyện con gà - quả trứng. Đây là một thực tế. Trước những quan hệ ngày càng phức tạp của một xã hội hiện đại, không có nhà nước nào đủ sức bao quát hết mọi chi tiết của đời sống cộng đồng. Vậy vai trò của quản lý là gì? Theo thiển ý, cần tập trung vào ba vai trò chính yếu:

- Tăng cường giáo dục ý thức công dân, nâng cao nhận thức về trách nhiệm cá nhân. Ở đây, cần tránh các khuynh hướng mỵ dân, các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Biểu hiện rõ nhất là dễ dàng tán đồng hoặc dễ dàng chấp nhận các ý kiến của số đông mà ngộ nhận đó là tiếng nói của “nhân dân”, của “quần chúng” khi thiếu những tiêu chuẩn kiểm nghiệm nghiêm túc có thể vì sợ trách nhiệm, có thể vì thiếu bản lĩnh.

- Thiết lập những thiết chế hậu kiểm hữu hiệu đủ sức phát hiện và xử lý kịp thời những thông tin độc hại để giảm thiểu hậu quả xấu. Cùng với điều đó là việc thực hiện các chế tài theo luật định. Tuy nhiên, lưu ý là trong một xã hội thượng tôn pháp quyền, cần phải thật minh bạch các khung khổ pháp lý về những giới hạn, những điều được phép và không được phép. Tránh những suy diễn tùy tiện có thể ảnh hưởng đến quyền luật định của công dân, tổ chức từ phía các cá nhân thực thi chức trách.

- Giải pháp cơ bản nhất vẫn phải là dùng thông tin tích cực, đúng đắn để khắc chế thông tin tiêu cực, tin giả. Vì vậy, đồng thời thực hiện hai chiến lược: chiến lược chủ động cung cấp thông tin và chiến lược phản ứng trước những thông tin lệch lạc với một kế hoạch ứng phó truyền thông bài bản theo các cấp độ. Về cơ bản và lâu dài, chiến lược chủ động phải được ưu tiên                    

Trước những thách thức ngày càng hiện hữu của mạng xã hội, nhiều người vẫn không chịu thừa nhận sự thật hoặc vẫn rất chủ quan về quyền lực cạnh tranh “vô đối” hoặc ngược lại bi quan về tương lai của truyền thông chính thức. Thái độ đúng là chấp nhận các thách thức. Chiến lược hợp lý là tích hợp các lợi thế của mạng xã hội như tính tương tác, tính đa phương tiện, tính tức thời với những thế mạnh truyền thống của một cơ quan truyền thông chính thức mà không mạng xã hội nào có thể đạt được.

Phải phát huy, khai thác tối đa ưu thế về tính chuyên nghiệp; trách nhiệm rõ ràng; các quyền luật định khá mạnh mẽ và với phạm vi khá rộng trong hành nghề; chất lượng và độ khả tín của thông tin cao, vừa bao quát theo chiều rộng vừa có thể chuyên sâu vào các góc cạnh tinh tế của đời sống xã hội. Đó cũng là cách mà truyền thông chính thức góp phần làm cho ngôn luận trong thời đại 4.0 được phát triển lành mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn