MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường nổ mìn để khai thác đá cách nhà các hộ dân xung quanh chỉ vài chục mét. Ảnh: Đinh Đại

Người dân bất an sống trong cơn "mưa thiên thạch"

Đinh Đại LDO | 22/03/2024 16:22

Yên Bái - Hàng chục hộ dân ở thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên lo lắng khi nhà cửa bị nứt vỡ, cây cối trong vườn hư hỏng vì doanh nghiệp nổ mìn để khai thác đá nhưng không thông báo trước. Trên một số trang mạng xã hội, người dân đăng tải còn gọi là các cơn "mưa thiên thạch".

Phản ánh đến Báo Lao Động, người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên bức xúc tố đơn vị khai thác là Công ty CP Thủy điện Tân Lĩnh nổ mìn làm nứt nhà dân.

Có mặt thực tế tại địa phương vào chiều 21.3, theo ghi nhận của PV, hiện trường nổ mìn của Công ty CP Thủy điện Tân Lĩnh nằm ngay cạnh khu dân cư, chỉ cách nhà của các hộ dân hơn 50m.

Chỉ tay lên những vết nứt nham nhở trong ngôi nhà mới xây, chị Hà Thị Khiếu (thôn Kiên Lao) cho biết: "Trưa 19.3.2023, khi gia đình chúng tôi đang chuẩn bị cơm nước thì nghe thấy tiếng nổ rất to. Nhìn từ xa đá bay như mưa còn trên tường nhà và mặt sân bắt đầu xuất hiện các vết nứt, những ngày sau đó, các vết nứt lại càng nhiều thêm”.

Sau vụ nổ lớn, ngôi nhà mới xây của gia đình chị Khiếu đã có những vết nứt dọc sân và trên tường. Ảnh: Đinh Đại

Ngay sau đó, chị cùng các hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã phản ánh tới chính quyền địa phương và bên khu mỏ. Tuy vậy, sau hơn 2 ngày vẫn chưa nhận được câu trả lời hợp lý.

"Để xây dựng được căn nhà kiên cố, khang trang như hiện tại là tích góp cả đời của gia đình tôi. Do đó, chúng tôi mong phía chính quyền và đơn vị khai thác sớm có phương án đền bù thỏa đáng" - chị Khiếu nói thêm.

Cũng theo chị Khiếu, khi sự việc xảy ra, một số hộ dân đã tải clip lên mạng xã hội TikTok với nội dung "mưa thiên thạch". Clip sau đó nhận được nhiều sự quan tâm, đồng cảm từ người dùng mạng.

This browser does not support the video element.

Ghi nhận của PV tại khu dân cư sau vụ nổ mìn để khai thác đá.

Cách nhà chị Khiếu chỉ vài chục mét là ngôi nhà đang xây dựng của anh Trần Văn Tí. Ngôi nhà mới xây được phần thô của tầng 1 và đang trong quá trình xây lên tầng 2 nhưng cũng đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt.

Chưa hết sợ hãi vì vụ nổ mìn vừa qua, anh Tí chia sẻ: “Buổi trưa hôm đó khi đang làm việc thì tôi nghe tiếng nổ lớn rung hết cả nhà. Một viên đá to từ vụ nổ văng sát tường nhà tôi. May mắn lúc đó tôi nấp ở trong nhà chứ không thì khó mà toàn mạng. Chiều hôm đó thì nhiều vị trí trong ngôi nhà bắt đầu nứt”.

Ngôi nhà đang xây dở dang nhưng phải chịu ảnh hưởng từ vụ nổ mìn. Ảnh: Đinh Đại
Những vị trí xảy ra vấn đề sau vụ nổ được thợ xây đánh dấu lại. Ảnh: Đinh Đại

“Mấy người thợ xây nhà của tôi họ còn bảo sẽ không chịu trách nhiệm nếu sau này nhà có xảy ra nứt vỡ hay sụt lún gì, vì nguyên nhân là do bên khác nên đây không phải trách nhiệm của họ. Dự kiến kinh phí xây nhà của tôi hơn 2 tỉ đồng, giờ mà nó sập xuống thì chẳng còn gì”, anh Tí lo lắng.

Quanh khu mỏ, dấu vết của việc nổ mìn khai thác đá vẫn còn ngổn ngang, đất đá bay xa hàng trăm mét. Các máy móc, thiết bị khai thác đã dừng hoạt động.

Một lỗ thủng to trên mái nhà do đá rơi vào. Ảnh: Đinh Đại
Những tán lá cây phủ trắng xóa bụi đá. Ảnh: Đinh Đại

Theo quan sát, sau vụ nổ, từ nhà dân cho đến những cánh đồng và vườn cây đều xuất hiện những viên đá to nhỏ, đủ loại kích cỡ. Trên những tán lá cây thậm chí còn phủ đầy bụi đá trắng xóa. Nhiều cây cối bị gãy do đá rơi.

Viên đá to còn lại sau khi rơi vào vườn của dân. Ảnh: Đinh Đại

Đối diện nhà anh Tí là nhà chị Nguyễn Thị Lan, ngôi nhà với những vết nứt dài kéo từ mái xuống chân tường. Được xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng, hoàn thành vào năm 2018 và dự định sẽ xây lên tiếp tầng 2. Nhưng việc có các dấu vết này xuất hiện khiến chị Lan vô cùng bất an.

“Ngôi nhà rung lắc dữ dội sau tiếng nổ vang trời khiến cả nhà tôi bị một phen thót tim. Chúng tôi bức xúc lắm, rất mong phía doanh nghiệp sớm có phương án xử lý để người dân yên tâm sinh sống”, chị Lan nói.

Máy móc, thiết bị khai thác đã dừng hoạt động sau khi vụ nổ khiến nhiều người dân khiếp sợ. Ảnh: Đinh Đại

Ngày 22.3, trao đổi với Lao Động, ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết - huyện đã giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Phòng Tài Nguyên - Môi trường xuống kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế và thống kê thiệt hại của các hộ dân để có phương án hỗ trợ, đền bù.

Theo ông Thư, đơn vị chủ quản và khai thác của mỏ đá này đều có đầy đủ giấy tờ và được tỉnh cấp phép hoạt động nhưng do cách khai thác chưa hợp lý khiến bà con bức xúc nên huyện sẽ cử người xuống kiểm tra, nhắc nhở đơn vị.

Theo tìm hiểu, mỏ đá nói trên thuộc Công ty CP Xi măng Yên Bình, đơn vị khai thác là Công ty CP Thủy điện Tân Lĩnh.

Mỏ đá này được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy phép 3,6ha diện tích khai thác đá làm vật liệu xây dựng với công suất 20.694m3/năm. Thời hạn khai thác trong vòng 20 năm kể từ năm 2011 đến tháng 10.2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn