MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân xếp hàng chầu trực để mua thuốc tại nhà thuốc BVĐK tỉnh Thái Bình trưa 1.4. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Người dân bức xúc khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế

TRUNG DU LDO | 02/04/2024 18:54

Thái Bình - Theo phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, thời gian này tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra khá phổ biến. Người dân mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có giải pháp cụ thể, thiết thực để nhanh chóng khắc phục thực trạng này.

Muôn nỗi vất vả, bức xúc khi phải đến bệnh viện

Vừa qua, phản ánh thông tin tới PV Lao Động, một số bạn đọc ở tỉnh Thái Bình cho hay, cực chẳng đã họ mới phải đưa người nhà đến thăm khám, điều trị tại BVĐK tỉnh Thái Bình. Quá trình chữa trị bệnh tại đây, cả bệnh nhân và người nhà phải chịu đựng đủ thứ phiền toái, từ chuyện thiếu chỗ nằm, thiếu phòng yêu cầu, đến thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.

Từ các nội dung phản ánh, ngày 2.4, PV đã có buổi khảo sát, ghi nhận tình hình khám, chữa bệnh cho nhân dân tại bệnh viện hàng đầu quê lúa Thái Bình.

Anh V.V.Đ phải ra tận quầy thuốc bên ngoài bệnh viện mới mua được mấy chiếc kim tiêm. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Trong cái nắng nóng oi ả đầu hè, anh V.V.Đ (sinh năm 1979, trú TP.Thái Bình) thất thểu cầm một bịch thuốc, dăm chiếc kim tiêm mua được từ quầy thuốc phía ngoài đường Lý Bôn.

"Mẹ tôi ở dưới quê lên mới nhập viện được 3 hôm nay, thế nhưng cả gia đình đã quá thấm nỗi khổ cực khi phải viện giai đoạn này. Mang tiếng là người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đầy đủ nhưng khi phải vào viện, ngoài một cái giường nhỏ hai người nằm chen chúc thì gần như cái gì cũng phải đi mua.

Bác sĩ kê đơn thuốc bảo xuống nhà thuốc bệnh viện mua, xếp hàng đợi mãi mới mua được một số thuốc thì người bán hàng lại bảo không có kim tiêm, thế là phải ra tận ngoài đường, phía bên ngoài cổng bệnh viện mới mua được mấy cái kim tiêm mang về" - anh Đ chia sẻ.

Cảnh xếp hàng đợi đến lượt mua thuốc tại nhà thuốc BVĐK tỉnh Thái Bình vào sáng nay (2.4). Ảnh: Trung Du

Theo anh Đ, trưa qua (1.4), anh cùng nhiều người nhà bệnh nhân khác phải xếp hàng đến 11h30 trưa cũng chưa tới lượt vào quầy thuốc bệnh viện để mua thuốc theo đơn bác sĩ chỉ định. Thế nhưng, người nhà bệnh nhân muốn ra quầy thuốc bên ngoài để mua thuốc và tiện mua cả kim tiêm luôn thì lại không được.

"Khi tôi đợi mãi mà chưa mua được thuốc cho mẹ nên nghĩ thử ra bên ngoài mua xem sao. Tại đây, người bán hàng nói không bán được vì có bán thì bác sĩ chắc chắn sẽ không tiêm cho mẹ tôi. Lý do là cùng loại biệt dược, cùng công dụng điều trị nhưng tên thuốc lại khác nhau, mà bác sĩ đã kê đơn chỉ định thì bắt buộc phải mua đúng tên thuốc được kê. Đến khoảng 14h chiều, tôi quay lại nhà thuốc bệnh viện, lúc này người mua đã vãn dần thì mới dễ mua hơn" - anh Đ cho biết thêm.

Xếp hàng cả bên ngoài, cả bên trong nhà thuốc bệnh viện. Ảnh chụp trưa 1.4 do bạn đọc cung cấp.

Trưa 2.4, tại Khoa Lão khoa, BVĐK tỉnh Thái Bình, PV Lao Động ghi nhận tại các phòng điều trị có rất đông bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây. Đa số bệnh nhân đều là người lớn tuổi, hai bệnh nhân phải nằm chung trên một giường bệnh.

Bà N.T.N (sinh năm 1959, trú huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: "Từ hôm đến khám bệnh và được cho về điều trị tại đây, gần như lúc nào chúng tôi cũng phải chen chúc, hai người một giường nằm tráo đầu đuôi nhau mới vừa.

Con tôi cũng liên hệ hỏi phòng yêu cầu nhưng bác sĩ bảo hết phòng. Điều hòa thấy lắp trong phòng nhưng không hoạt động, bệnh nhân được mấy cái quạt nhỏ. Đã vậy cái gì cũng thiếu, đụng tí lại phải ra bên ngoài mua mang vào, tôi thấy quá thiệt thòi và khổ cực cho người bệnh như chúng tôi. Luôn theo, đóng BHYT để phòng lúc ốm đau tuổi già mà có BHYT rồi vào viện thế này chẳng thà không có cho xong".

Cần khẩn trương có giải pháp thiết thực, kịp thời hơn

Theo báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, đến hết tháng 3.2024, các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế tập trung cấp địa phương đã hoàn thành các đợt mua sắm, tổ chức mua sắm với 252 danh mục, trong đó đã lựa chọn được 218 danh mục trúng thầu, còn 32 danh mục không trúng thầu.

Đối với các gói thầu do các cơ sở y tế thực hiện, tính đến thời điểm ngày 28.3 đã lựa chọn được 6.378/7.981 danh mục trúng thầu. Còn một số gói thầu đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.

Người bệnh lớn tuổi nằm, ngồi chen chúc nhau tại Khoa Lão khoa, BVĐK tỉnh Thái Bình trưa 2.4. Ảnh: Trung Du

Quá trình đấu thầu mua sắm vẫn còn khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Hệ thống văn bản quy định pháp luật liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm gồm nhiều văn bản, gây khó khăn cho việc áp dụng, thực hiện; một số danh mục thuốc có số lượng ít, giá trị nhỏ khi tổ chức không có nhà thầu tham dự; một số gói thầu đã trúng thầu nhưng quá trình cung ứng không bảo đảm tiến độ, số lượng thuốc; việc triển khai xây dựng nhu cầu, kế hoạch sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của một số đơn vị y tế còn chậm…

Tại một cuộc họp diễn ra cuối tháng 3.2024, bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - đề nghị Sở Y tế, các cơ sở y tế họp thống nhất lại việc lựa chọn phương án triển khai mua sắm giai đoạn tới cho phù hợp. Khi đề xuất phương án phải kèm theo danh mục, kế hoạch, biện pháp thực hiện.

Trong thời gian chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế, các cơ sở y tế phải chủ động có những giải pháp bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh, với những tồn tại, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan, ngành Y tế cần khẩn trương khắc phục. Liên quan đến những vướng mắc do văn bản của Trung ương, ngành Y tế cần có kiến nghị cụ thể để có hướng dẫn xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn