MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ngăn cản thi công Khu công nghiệp Tam Thăng 2. Ảnh: Thanh Chung

Người dân cản thi công Khu công nghiệp Tam Thăng 2 vì chưa được đền bù

Thanh Chung LDO | 30/09/2020 17:31

Người dân ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho rằng họ chưa nhận tiền bồi thường nên ngăn cản thi công dự án hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2.

Dân tố chưa đền bù đã thi công

Nhiều ngày nay, hàng chục người dân xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam liên tục tập trung phản đối, ngăn cản Công ty CP Capella Quảng Nam về việc san ủi đất, thi công dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2.

Bà Phan Thị Ánh (58 tuổi, ở thôn Nghĩa Hòa) cho rằng, đất doanh nghiệp san ủi thi công công trình là của 19 hộ dân canh tác hoa màu từ trước đến nay. Đất này do ông bà khai hoang rồi để lại cho con cháu. Tuy nhiên, tháng 6.2016, UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo thực hiện dự án trên khu đất nên đình chỉ không cho người dân tiếp tục sản xuất.

Tháng 1.2017, UBND xã Bình Nam gọi từng hộ dân có đất đến kê khai, phân loại đất, tách thửa và đo đạc xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất và lập biên bản mô tả ranh giới. Sau khi xác định nguồn đất và không hề có sự tranh chấp giữa các hộ sử dụng đất liền kề, xã cũng đã quy ra chủ đất.

“Đầu năm 2019, Hội đồng UBND xã Bình Nam đã họp, ra thông báo là đất mà người dân khai hoang trồng hoa màu hàng chục năm nay lại đất của xã” - bà Ánh nói.

Ông Nguyễn Văn Minh (67 tuổi) bức xúc cho rằng, từ tháng 2.2020, đơn vị thi công đã đưa máy móc vào san ủi làm đường. Người dân địa phương phát hiện đã tập trung can ngăn.

“Đất chúng tôi canh tác bao đời nay chưa được kê khai đền bù thì bị thu hồi để thi công dự án. Chính quyền cũng không thông báo việc này. Khi dự án về xã lại nói đất người dân bỏ hoang nhiều năm nay nên không được nhận đền bù. Tuy nhiên chúng tôi nhận được thông báo không được sản xuất thì mới ngưng trồng trọt. Tại sao lại nói đất bỏ hoang?” - ông Minh bức xúc.

Ông Minh nói thêm, chúng tôi đang kiến nghị lên cấp trên để giải quyết thì đơn vị thi công vào san ủi nên phải ngăn cản chứ không họ san ủi hết đất mà ông cha khai hoang để lại. Dù bận công việc đến đâu thì chúng tôi cũng chia người ra canh giữ.

Xác minh nguồn gốc đất thông qua hội đồng tư vấn cấp xã

Ông Phạm Công Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, vừa qua địa phương đã tổ chức đối thoại với người dân có đơn kiến nghị để nói rõ vấn đề cũng như tuyên truyền, vận động người dân để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự. Về vấn kiến nghị của dân thì hiện nay xã đang từng bước xử lý.

“Chúng tôi đã lập hội đồng tư vấn trong đó có nhiều người lớn tuổi chứng kiến việc này để tư vấn. Theo hội đồng tư vấn, đất 19 hộ dân này bỏ hoang và không sản xuất từ lâu. Hội đồng tư vấn đã xác định và trả lời bằng văn bản cho các hộ là đất này không phải đất của dân nên không có cơ sở để bồi thường đền bù” - ông Quốc nói.

Ông Hoàng Châu Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho hay: “Người dân tập trung ngăn cản thi công dự án này đã nhiều ngày nay. Họ không được công nhận đền bù do thời gian dài không có dấu hiệu canh tác và việc này được hội đồng tư vấn ở xã đánh giá. Hội đồng đánh giá thế nào thì mình làm vậy vì những người trong hội đồng là người từng chứng kiến việc này” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, quy trình làm thủ tục thì có hội đồng tư vấn của xã, chủ tịch xã người đứng đầu xác nhận lịch sử sử dụng đất, trên cơ sở lấy ý kiến của hội đồng tư vấn. Kết quả cuối cùng đánh giá sử dụng đất loại đất gì, canh tác cây gì ngày nào, tháng nào và áp dụng theo luật. Nếu cả hội đồng xác nhận trước ngày 1.7.2014, thì không người dân không thể nhận được bồi thường. Và việc canh tác trên đất phải diễn ra thường xuyên nếu nghỉ quá lâu thời gian quy định theo từ loại cây thì cũng không được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn