MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân phản ánh xưởng chế biến sứa bị phá dỡ mà không nhận được bất cứ thông báo nào trước đó. Ảnh: Người dân cung cấp

Người dân đề nghị làm rõ ai phá dỡ xưởng chế biến sứa ở xã đảo Minh Châu

NHÓM PV LDO | 14/03/2024 06:00

Một xưởng chế biến sứa trên địa bàn xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã hết hạn thuê đất nhưng chưa nhận được thông báo thu hồi từ phía chính quyền. Mới đây, người dân phản ánh, xưởng sứa này đột ngột bị chính quyền phá dỡ. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Minh Châu đã phủ nhận việc này.

Chưa thông báo đã tiến hành phá dỡ?

Những ngày này (thời điểm từ tháng 1 - tháng 4 hàng năm) là cao điểm của mùa vụ đánh bắt, thu mua và chế biến sứa biển ở các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Nhưng trái với không khí nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm quen thuộc, một xưởng sứa ở vị trí Vụng Nồi Tai (diện tích 7.500m2) của xã Minh Châu năm nay khung cảnh tan hoang, hiu hắt bao trùm.

Suốt hơn 3 tháng qua, mọi hoạt động của xưởng chế biến sứa này phải dừng lại. Ông Vũ Văn Quang - người trông coi xưởng - cho biết, nguồn cơn xuất phát từ việc ngày 5.12.2023, một đoàn công tác gồm có các lực lượng chức năng của xã Minh Châu bất ngờ tới đây, phá dỡ nhiều hạng mục tài sản với lý do xưởng xây dựng trái phép.

“Sáng 5.12, tôi thấy xuồng của xã tới, hàng chục nhân công sợ chạy hết lên rừng. Ở dưới xưởng, họ cứ đập uỳnh uỳnh. Lúc sau xuống, họ đã phá hết” - ông Quang kể lại và cho hay, thiệt hại về tài sản từ vụ việc lên tới 50 - 60 triệu đồng.

Cảnh tượng tan hoang ở xưởng sứa trên xã đảo Minh Châu. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo ông Quang, trước khi xảy ra vụ việc trên, phía xưởng chế biến sứa không nhận được bất cứ thông báo nào từ chính quyền sở tại về việc sẽ tới phá dỡ.

“Tôi rất bất ngờ về sự việc bởi trước ngày xảy ra, tôi không nhận được một thông báo nào. Tài sản chúng tôi xây dựng trên xưởng cũng rất tốn kém” - ông Quang cho hay.

Theo tìm hiểu, xưởng sứa ở vị trí Vụng Nồi Tai nằm trên phần đất được UBND huyện Vân Đồn cho hộ gia đình thuê theo Quyết định số 155/QĐ-UBND (Quyết định 155) ký từ năm 2007.

Ông Quang cho biết, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện chưa có bất kỳ văn bản nào để thông báo và ban hành quyết định thu hồi đất khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất.

Tại Điều 2 Quyết định 155 trên cũng nêu rõ “Khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất thì chủ xưởng chế biến thủy sản phải tự tháo dỡ và không được bồi thường”.

Đồng thời, trong suốt thời gian từ khi hết hạn thuê đất, phía xưởng sứa liên tục có các văn bản xin gia hạn thuê nhằm tận dụng, tránh lãng phí đất đai, tạo công ăn việc làm cho nhân công, phát huy thế mạnh địa phương trong nuôi trồng, chế biến thuỷ sản.

Hiện phía chủ xưởng sứa đã có các đơn thư đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn làm rõ vụ việc.

Nên có hướng mở cho người dân

PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Thời điểm diễn ra sự việc nêu trên, ông Sơn là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Minh Châu và người dân cho biết, ông là người dẫn đầu đoàn lực lượng chức năng kiểm tra xưởng sứa.

Ông Sơn xác nhận, ngày 5.12.2023, lực lượng chức năng xã có đến kiểm tra xưởng sứa của ông Vũ Văn Quang và yêu cầu dừng hoạt động, đồng thời “xã cũng ban hành các văn bản yêu cầu tự tháo dỡ công trình”.

Song ông Sơn phủ nhận việc lực lượng chức năng xã có các hoạt động phá dỡ xưởng chế biến sứa mà chỉ là đi “kiểm tra”.

Ngày 13.3.2024, tiếp tục trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết "đã có văn bản báo cáo UBND huyện" về các phản ánh của người dân liên quan đến nghi vấn xưởng sứa bị phá dỡ không đúng quy trình. Dù vậy, ông Sơn từ chối cung cấp cụ thể các nội dung báo cáo này.

Hình ảnh người dân ghi lại ở xưởng sứa ngày 5.12.2023. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo tìm hiểu của Lao Động, xưởng chế biến sứa tại Vụng Nồi Tai thời gian qua tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động. Doanh thu ước tính mỗi mùa vụ lên đến hàng chục tỉ đồng.

Lãnh đạo xã Minh Châu xác nhận với PV Lao Động rằng, cùng với xưởng này, trên đảo còn có xưởng chế biến sứa ở vị trí khác cũng được xác định là trái phép.

Nhu cầu về không gian làm ăn hợp pháp, mong muốn được tạo thuận lợi cho hoạt động sinh kế trong lĩnh vực thu mua, chế biến thủy sản - một thế mạnh của Khu kinh tế Vân Đồn nhằm cải thiện cuộc sống là một nhu cầu thực tế của người dân.

Về vấn đề này, trao đổi với PV, phía lãnh đạo xã Minh Châu cho hay, địa phương đã có văn bản đề nghị huyện xem xét có một khu tiểu thủ công nghiệp chế biến trong tương lai.

Hoạt động ở xưởng sứa vị trí Vụng Nồi Tai ở xã Minh Châu đã phải dừng lại nhiều tháng qua. Ảnh: Người dân cung cấp

Còn ông Lưu Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Minh Châu đương nhiệm - cũng chia sẻ với PV Báo Lao Động rằng, ở góc độ quản lý, quan điểm là các xưởng khi hoạt động cần đúng quy định pháp luật.

Nếu có thể cho người dân làm ăn thời vụ, tăng thêm thu nhập ở những vùng không ảnh hưởng đến môi trường thì nên tạo điều kiện và “nên có hướng mở” tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ở góc độ pháp lý, với vụ việc đề cập trong bài viết, luật sư Nguyễn Thị Điển - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, nếu trước thời điểm 5.12.2023, chủ xưởng sứa chưa nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền cho rằng xưởng sứa đang hoạt động trái phép thì việc phá dỡ xưởng sẽ là hành vi trái quy định của pháp luật.

Nếu có vi phạm, cơ quan chức năng cần có các thông báo kiểm tra, lập biên bản làm việc, biên bản xử lý vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt hành chính rồi mới đến quyết định cưỡng chế theo trình tự, thủ tục theo luật định. Từ đó, đặt ra vấn đề, cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn