MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân huyện Hoài Đức nhịn tắm giặt vì không có nước sạch

KHÁNH AN LDO | 13/05/2023 16:40
Nhiều người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) bức xúc vì suốt thời gian dài không có nước sạch để sử dụng, phải nhịn đi vệ sinh và đi tắm nhờ. 

Đường dây nóng nhưng lúc nào cũng nguội

“Trung bình cứ 2 ngày thì bị mất nước một ngày” - anh Phùng Vi Hải (thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động khi được hỏi về quá trình sử dụng nước của Công ty Nước sạch Tây Hà Nội. 

Anh Hải cho hay, suốt thời gian dài, anh và các hộ dân tại đây thường xuyên bị cắt nước mà không được thông báo trước. Đỉnh điểm là 2 tháng vừa qua, có những lúc mất nước 5 ngày liên tiếp. Khi đó, các hộ gia đình lại phải nháo nhác đi mua bồn dự trữ nước.

“Đợt vừa rồi, nhà tôi không còn chút nước sạch nào, máy bơm giếng khoan thì hỏng nên 4 người trong nhà phải đi tắm nhờ, cũng không dám đi vệ sinh. 

Trước đây, nhà tôi có bể trữ 2 m3 nước. Thế nhưng do thời gian cắt nước kéo dài, không được thông báo trước nên vẫn không đủ sử dụng. Rút kinh nghiệm, tôi phải đi mua thêm 1 bồn nước 2 m3 để phòng trường hợp sau này rơi vào hoàn cảnh tương tự” - anh Hải nói. 

Ngoài việc mua bồn trữ nước, người dân cũng bơm nước từ giếng khoan cũ lên để sử dụng. Thế nhưng, theo anh Hải, nước giếng khoan ở khu vực này bị nhiễm chì - chỗ vàng khè, chỗ đen sì nên nhiều người cũng không dám sử dụng do lo ngại ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Thông thường, ngay khi mất nước, anh Hải lập tức gọi điện vào số đường dây nóng (hotline) của công ty này. Thế nhưng, anh chưa bao giờ nhận được phản hồi.

  Hệ thống bình lọc tại một gia đình ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Ảnh minh hoạ: Khánh An

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Khang An (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) cũng thường xuyên rơi vào cảnh mất nước. “Tôi thật sự không hiểu, tôi là khách hàng, là người sử dụng dịch vụ, nhưng mà cứ như đang đi xin nước của công ty nước sạch vậy. Có lẽ vì công ty đang độc quyền bán nước sạch khu vực này nên họ không tôn trọng chúng tôi?” - chị An đặt câu hỏi.

Chị An cho biết, việc mất nước tại khu vực này diễn ra “như cơm bữa”, đặc biệt trong 6 tháng trở lại đây.

Hồi đầu, khi bị mất nước, chị An thường có thói quen gọi đến số hotline của công ty hoặc lên Google tra lịch cắt nước của Công ty nước sạch Tây Hà Nội. Song lâu dần, khi số hotline gọi 3 cuộc không nghe, trên website công ty cũng không có thông báo nào, chị mới hiểu rằng, công ty cắt nước của người dân mà không thông báo trước. 

Có những lúc “may mắn” gọi được vào số hotline, nhưng phải 3 ngày sau nhân viên của công ty mới đến để kiểm tra, khắc phục vấn đề đường nước cho nhà chị. 

“Nhà 4 người nhưng hai, ba ngày tôi mới dám giặt quần áo một lần vì sợ hết mất nước sạch. Cả nhà ai cũng phải chắt chiu từng chút nước một” - chị An bức xúc nói. 

Nước giếng khoan tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Ảnh minh hoạ: Khánh An 

Mất nước nhưng không biết kêu ai

Không chỉ anh Hải, chị An, rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức bức xúc về việc Công ty nước sạch Tây Hà Nội cắt nước không báo trước. 

Cụ thể, sau khi Báo Lao Động có bài viết “Người dân sốc khi bị yêu cầu truy thu hơn 80 triệu đồng tiền nước” nhiều người dân sinh sống trên địa bàn huyện Hoài Đức đã bình luận phản ánh việc cuộc sống bị đảo lộn vì công ty cắt nước không thông báo trước. 

Chị T.K cho biết, Khu tập thể Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đã mất nước 5 ngày nay. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến người dân đều ngán ngẩm, nhưng không biết kêu ai. 

Chung bức xúc, chị H.Đ bình luận: "Công ty đưa ra đủ lý do, nào áp lực nước yếu, cần sửa chữa, bảo dưỡng. Điện, nước là thiếu yếu, không thiếu được. Vậy nên nếu không đủ năng lực để làm thì tôi đề nghị cần có đơn vị khác vào thay thế" - chị Đ nêu quan điểm. 

Tương tự, chị N.T.H cho hay, khu nhà chị từ Tết đến nay vẫn không bơm được nước sạch lên bể. Các hộ gia đình phải dùng nước giếng khoan.

Mất nước do áp lực của hệ thống cấp nước yếu

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đình Hà - Giám đốc Công ty nước sạch Tây Hà Nội khẳng định, không có tình trạng cắt nước mà không thông báo trước cho người dân.

"Chúng tôi bán nước truyền tải trực tiếp của sông Đà (Nhà máy nước sông Đà - PV). Do áp lực của hệ thống cấp nước yếu, dẫn đến một số khu vực nước không tới được.

Năm 2023, áp lực yếu chung trên toàn hệ thống, rất nhiều khu vực mất nước chứ không chỉ khu vực Tây Hà Nội. Trên địa bàn toàn Hà Nội, rất nhiều khu vực mất nước" - ông Hà nói. 

Về giải pháp, ông Hà cho biết, thời gian vừa qua, Sở Xây dựng đã mời các đơn vị cấp nước đến để bàn giải pháp, khắc phục tình trạng áp lực yếu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn