MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Toán (xóm Gành, thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) đang ở trong vùng nguy cơ sạt lở, nguy hiểm. Ảnh: Hà Anh

Người dân lo lắng khi sống trong ngôi nhà có nguy cơ sạt lở xuống sông

Hà Anh LDO | 27/12/2021 17:00

Hà Nội - Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Toán (xóm Gành, thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) đang “sống trong sợ hãi” bởi căn nhà của gia đình đang có nguy cơ sạt lở xuống sông bất cứ lúc nào.  

Mặc dù chính quyền địa phương đã rào chắn, dựng biển cảnh báo “khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm cấm vào” ở khu vực đất của gia đình ông Toán, nhưng do ở nhờ nhà người thân lâu dài, sinh bất tiện, nên gia đình ông lại kéo nhau về ở tại ngôi nhà có nguy cơ cao sụt xuống sông.

Tại xóm Gành, bà Nguyễn Thị Bích - vợ ông Toán - mếu máo nói: “Gần đây, phần lớn đất vườn của gia đình đã bị lở xuống mép sông, nhiều cây trồng lâu năm đã làm mồi cho “hà bá”. Hiện nay, gia đình đang sống trong lo lắng, nhất là những ngày trời mưa lớn bởi phần sân, ngôi nhà còn lại chênh vênh, không biết khi nào sụt xuống sông như khu vườn. Mặc dù UBND xã Thái Hoà đã có văn bản yêu cầu gia đình di dời, nhưng hiện tại gia đình tôi gồm 2 vợ chồng già, vợ chồng đứa con trai và cháu nội chưa biết đi đâu, ở đâu do đời sống còn quá nhiều khó khăn nên đành phải về căn nhà chờ sụt để ở”.

Cháu nội ông Toán đang ngồi nghịch đất bên đoạn sông sạt lở. Ảnh: Hà Anh 

Để bảo vệ các thành viên, nhất là cháu nội đang tuổi ăn, tuổi nghịch…, ông Toán đã phải dựng hàng rào ngay trong khoảng sân trước ngôi nhà.

Hàng xóm của ông Toán là bà Ngô Thị Lan, Nguyễn Thị Ngân cũng đang rất lo lắng, bởi hiện tượng sạt lở mép sông trong thời gian gần đây đã khiến sân, hàng rào của các gia đình bị rạn, nứt…

Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc sạt lở bờ sông, đoạn ngã ba sông Hồng và sông Đà giáp ranh giữa huyện Ba Vì và huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ là do hoạt động khai thác cát diễn ra nhiều năm qua. “Lòng sông bị nạo hút sâu đến hàng chục mét đã tác động tới việc thay đổi dòng chảy, mỗi khi mùa mưa bão về, dòng nước xoáy thẳng vào bờ bãi kéo theo vườn tược, hoa màu của bà con xuống dòng sông” - ông Toán cho hay.

Khi phóng viên có mặt tại khu vực nhà ông Toán, bờ sông phía đối diện có gần chục tàu hút, tàu cuốc, tàu chở cát đang hoạt động náo nhiệt…

Một tay giữ cháu, một tay chỉ ra phía bờ sông, bà Bích cho biết: "Có nhiều đêm, đèn từ hàng chục tàu hút, tàu chở cát sáng rực cả khúc sông, gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi".
Bà Bích chỉ sang bên kia sông, nơi có tàu hút, chở cát đang hoạt động. Ảnh: Hà Anh 

Theo UBND xã Thái Hòa, do thời tiết mưa lớn kéo dài từ ngày 24-25.9, tại khu vực xóm Gành xuất hiện sạt lở bờ sông Đà ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh sống của các hộ dân. Thực trạng khu vực có 3 hộ bị sạt lở nghiêm trọng, mất diện tích đất thổ cư, đe dọa đến an toàn công trình xây dựng, lối đi của hộ gia đình; 4 hộ bị nứt nẻ đất, tường bao và hạng mục khác của các hộ gia đình. UBND xã đã đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện kè khẩn cấp để chống sạt, lở, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng 10h45 ngày 23.10.2021, tại đoạn sông Đà khu vực giáp ranh giữa xã Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội với xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Đội Cảnh sát đường thuỷ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ 1 phương tiện tàu hút đang thực hiện hành vi hút cát từ lòng sông Đà bơm vào khoang chứa hàng của phương tiện. Sau khi bắt giữ, Công an TP.Hà Nội đã lập biên bản vụ việc, vẽ sơ đồ hiện trường, phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì xác định vị trí phương tiện. Sau khi định vị, xác định phương tiện nằm trên địa giới hành chính thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, Công an Hà Nội đã bàn giao phương tiện cũng như người điều khiển cho Công an huyện Tam Nông xử lý theo đúng quy định.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn