MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân “ngộp thở” vì lò đốt than hoạt động mỗi ngày

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 10/06/2020 11:18

Nhiều năm nay, người dân thuộc xóm An Hạ, Thanh Quang (thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) thường xuyên phải sống trong ô nhiễm môi trường do lò than gây ra.

Có mặt trên tuyến đê dọc theo thôn An Hạ, thôn Thanh Quang (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội), nhìn từ xa lò đốt than này liên tục “thở” ra những cột khói màu vàng đục, bốc lên nghi ngút phủ kín cả cánh đồng.

Theo người dân địa phương, đây lò than tư nhân của ông H.P.T (thôn An Hạ) có tần suất hoạt động liên tục, nhưng lò đốt mạnh nhất là vào lúc chiều tối.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, bên trong xưởng chất đầy các loại gỗ thải, đầu gỗ, bao bì mùn cưa... ngay cạnh miệng lò, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, mất an toàn lao động. Lò đốt tuy nằm trên diện tích đất nông nghiệp nhưng được chủ sở hữu xây dựng rất kiên cố giữa cách đồng đã nhiều năm nay.

Lò đốt than tại xã An Thượng. Ảnh: Lan Nhi.

Điều đáng nói, xỉ than từ lò đốt sau quá trình sản xuất đã không được thu gom, xử lý theo đúng quy định mà đổ trực tiếp ra phía cánh đồng. Nhiều thửa ruộng bao quanh khu lò đốt lâu nay đều lâm vào tình trạng tiêu điều, xơ xác.

Chưa hết, một số nhà dân đã phải bỏ đất, để hoang bởi trồng cây gì cũng khó sống, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì liên tục bị... ám khói.

Lò đốt than liên tục “thở” ra những cột khói màu vàng đục, bốc lên nghi ngút phủ kín cả cánh đồng. Ảnh: Lan Nhi.

Mặc dù người dân địa phương đã nhiều lần bức xúc, làm đơn kiến nghị với chính quyền địa phương, thế nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Anh N.M.Q (37 tuổi, thôn Thanh Quang, xã An Thượng) chia sẻ: “Lò hoạt động suốt cả ngày nhưng mạnh là vào lúc chiều tối. Trước kia chỉ là cái lò nhỏ, cách đây mấy năm chúng tôi thấy lò đã mở rộng, cơi nới thêm khoảng 1 sào ruộng.

Mùi khói rơm còn dễ chịu chứ mùi khói lò đốt than này thì khó chịu đến mức ngạt thở, tức ngực. Mặc dù đã cách cả một cánh đồng thế nhưng khói từ lò đốt vẫn thường xuyên tạt vào nhà tôi”.

Càng về chiều tối, lò đốt càng hoạt động mạnh. Ảnh: Lan Nhi.

Cùng nói về vấn đề này, ông N.Q.T (55 tuổi, thôn An Hạ) cho hay, gia đình ông cũng có khu ruộng bên cạnh nhà xưởng nhưng lâu nay cũng phải bỏ hoang, lúa vụ nào cũng ám đen vì khói. Chính vì thế, nhiều hộ dân xung quanh cũng phải bỏ đất, có nhà thì chuyển sang trồng rau muống.

Theo ông T, mặc dù không ít lần người dân địa phương phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Những đống xỉ than lò đốt không được thu gom, xử lý mà đổ trực tiếp ra cánh đồng. Ảnh: Lan Nhi.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Hà (54 tuổi, trưởng thôn An Hạ) cho biết: Lò đốt than của gia đình ông H.P.T (thôn An Hạ) sử dụng nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa và đầu mẩu gỗ để làm than. Còn việc lò đốt có sử dụng keo, hóa chất, phụ gia gì thêm hay không trong quá trình sản xuất thì địa phương cũng chưa nắm rõ.

Bên trong lò đốt than ngổn ngang đầu gỗ, mùn cưa, gỗ loại thải. Ảnh: Lan Nhi.
Khu ruộng gần lò đốt bỏ hoang, mọc đầy cỏ dại. Ảnh: Lan Nhi.

Cũng theo vị trưởng thôn An Hạ, hiện tại ông chưa nhận được thông tin, phản ánh gì từ người dân trong thôn. Tuần nào đơn vị cũng có buổi giao ban, gặp nhau giữa trưởng thôn với chính quyền xã rất nhiều lần. Do đó nếu có sự việc như phản ánh thì người dân nên làm đơn, ai đứng tên đơn thì nên gửi, ý kiến, kiến nghị lên chính quyền cấp xã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn