MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông khuyết tật được người dân bế lên xe buýt. Ảnh chụp từ clip

Người đàn ông khuyết tật bị xe buýt "bỏ qua": Hội Người khuyết tật nói gì?

ANH THƯ LDO | 06/08/2022 06:30

Clip về người đàn ông khuyết tật ở Nghệ An “đội nắng” gần 2 tiếng đồng hồ nhưng không có xe buýt nào cho lên xe đã làm dậy sóng dư luận.

Mới đây, clip ngắn về một người đàn ông tật nguyền (không có tay, chân) đứng chờ xe buýt gần 2 giờ đồng hồ dưới trời nắng nóng nhưng không có xe buýt nào cho lên đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Trong clip được người dân quay lại, người đàn ông tật nguyền cho biết đã đợi 3 chuyến xe buýt chạy qua nhưng không lên xe được. Đến chuyến thứ 4, xe buýt cũng đi qua, không chở. 

Chỉ đến khi có một người đàn ông đứng ra vẫy xe buýt rồi bế người khuyết tật này lên xe thì mọi chuyện mới kết thúc. 

Sau khi clip này xuất hiện, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thương cảm với người đàn ông không may mắn kia. Bên cạnh đó, cũng không ít người lên án hành vi của những người lái xe buýt đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội - cho biết, ở đây cần nhìn nhận rõ việc làm, hành động của cả người lái xe buýt, phụ xe và người khuyết tật.

Ông Hà phân tích, nếu người khuyết tật đứng đúng vị trí, điểm đón xe buýt mà tài xế không dừng xe, không cho lên thì quả thật đáng lên án. Ở đây, người khuyết tật cũng là một hành khách. Vì vậy, họ cần phải được phục vụ, đối xử công bằng giống như những hành khách khác.

Việc bỏ qua, không phục vụ nhu cầu đi lại đã ngầm phân biệt rõ rệt giữa người khuyết tật với những hành khách khác.

Còn trường hợp người khuyết tật không đứng đúng điểm đón, trả khách của phương tiện công cộng thì sẽ khiến tài xế, phụ xe khó nhận biết được họ có nhu cầu đi xe hay không.

"Qua thông tin clip phản ánh, chúng ta cần có sự đào tạo, hướng dẫn cho những người làm về lĩnh vực giao thông, vận tải phải biết quyền và nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp này, cần phục vụ, đón khách là người khuyết tật lên xe như bao người dân khác" - ông Hà nói.

Theo vị này, bản thân người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng nói riêng và giao thông nói chung cần tuân thủ tuyệt đối quy định của luật giao thông.

Theo Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội, người khuyết tật vốn đã thiệt thòi, vì vậy, chưa cần sự ưu ái, chỉ cần đối xử công bằng với họ như những người khác là đã thể hiện sự tôn trọng.

Trường hợp tham gia giao thông công cộng chỉ là phạm vi rất nhỏ. Người khuyết tật vẫn có thể hoà nhập vào cuộc sống. Vì vậy, mọi người cần có sự tôn trọng, không nên có thái độ kì thị, phân biệt với họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn