MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân bị chiếm đoạt tài sản sau khi cài đặt phần mềm giả mạo. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Người đàn ông ở Long Biên mất hơn 100 triệu đồng vì chiêu lừa đảo cũ

KHÁNH AN LDO | 28/06/2024 06:00

Dù lực lượng chức năng liên tục đưa ra cảnh báo, song mới đây, một người đàn ông ở quận Long Biên (Hà Nội) tiếp tục bị lừa đảo với chiêu "giả mạo công an hỗ trợ công dân cập nhật thông tin định danh điện tử".

Phản ánh đến Lao Động, anh Nguyễn Văn An (tên nhân vật đã được thay đổi) ở phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết trưa 22.6, anh nhận được cuộc điện thoại từ một người tên Thành, tự xưng là Công an phường Long Biên. Đối tượng Thành thông báo về việc Công an quận Long Biên đang hỗ trợ công dân cập nhật thông tin định danh điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Sau đó, anh An tiếp tục nhận được cuộc gọi từ Quân - người tự xưng là Công an quận Long Biên. Quân hẹn anh An 14h chiều có mặt tại trụ sở Công an quận Long Biên để làm thủ tục hỗ trợ.

Sau khi hẹn lịch, Quân thông báo thêm với anh An rằng hôm nay người dân đi làm thủ tục rất đông, khuyên anh An nên đăng kí trực tuyến.

"Sau đó tên Quân hướng dẫn tôi cài đặt một ứng dụng có tên "Chính Phủ". Sau khi cài đặt ứng dụng, Quân nói tôi phải chuyển khoản cho kho bạc 12.000 đồng để thanh toán phí.

Do chủ quan, tôi đã làm theo hướng dẫn của Quân. Tôi tải ứng dụng, cấp quyền truy cập cho ứng dụng, sau đó đăng nhập tài khoản ngân hàng để thanh toán 12.000 đồng" - anh An kể lại.

Theo anh An, dù đã thanh toán thành công nhưng đối tượng Quân lại thông báo chưa nhận được tiền và khuyên anh nên chuyển khoản bằng một tài khoản ngân hàng khác.

Do để lộ thông tin trong quá trình đăng nhập tài khoản ngân hàng, anh An đã bị chiếm đoạt tiền trong 2 tài khoản.

Anh An kể lại, trong gian ứng dụng lừa đảo đang “chạy đồng bộ” (từ 0% - 100%) thì máy điện thoại của anh ở trạng thái mất kiểm soát, màn hình xanh và hiện dòng chữ: “Đang đồng bộ, không thao tác”. Quân cũng liên tục nhắc anh không được thao tác trên điện thoại, cứ để hệ thống chạy đồng bộ.

"Sau khi chờ một lúc thấy ứng dụng chạy mãi không xong và mất kiểm soát điện thoại, tôi đã tháo sim ra lắp lại, ngắt kết nối Internet, xóa ứng dụng và kiểm tra lại tài khoản. Tôi bàng hoàng phát hiện ra đã có rất nhiều tin nhắn, email ngân hàng báo về. Toàn bộ sổ tiết kiệm online ở cả 2 tài khoản đã bị tất toán trước hạn" - anh An cho hay.

Tổng số tiền anh An bị chiếm đoạt là 120 triệu đồng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục đưa ra cảnh báo về chiêu lừa giả mạo công an thông báo cập nhật thông tin định danh điện tử.

Công an TP Hà Nội cảnh báo, việc xác thực định danh điện tử, cơ quan công an chỉ thực hiện trực tiếp tại trụ sở và không yêu cầu công dân phải cung cấp thông tin gì qua điện thoại.

Muốn cấp số định danh điện tử, người dân cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an để tiến hành theo đúng quy trình. Tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ" tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an mà cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn