MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ngóng chờ đường đi xuống biển nhưng thành phố cứ liên tục khất đợi. Ảnh: TT

Người dân quận Ngũ Hành Sơn phải đợi thêm 1 năm mới có lối đi xuống biển

Thùy Trang LDO | 17/12/2017 16:19

Sau 2 năm bị kéo dài với nhiều lần được bàn thảo, đề xuất tại các cuộc tiếp xúc cử tri đến họp Hội đồng nhân nhân (HĐND), người dân quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng lại phải tiếp tục đợi thêm 1 năm nữa mới có lối đi xuống biển.

Biển bị bịt kín bởi Resort

Chẳng phải mới đây mà nhiều năm qua, dọc con đường ven biển phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bị bịt kín bởi dãy các resort cao cấp. Thậm chí, nhiều dự án khác bị treo tại đây cũng làm rào chắn hết mọi lối xuống biển. Người dân bức xúc khi "ở thành phố biển mà không có đường xuống biển", nhưng dân cứ ý kiến, thành phố họp rồi ra chủ trương nhưng đợi mãi vẫn chưa được giải quyết.

Ghi nhận tại phường Khuê Mỹ, mang tiếng là đường ven biển, ở ngay sát biển nhưng để nhìn thấy được sóng hay cát biển, người dân ở đây phải đi đường vòng đến các phường lân cận để “tắm ké” “nhìn ké” bởi không có đường đi xuống biển nào giữa các khu nghỉ dưỡng.

“Cùng nằm trên một tuyến đường ven biển nhưng các phường khác có mặt tiền là biển, có bãi tắm công cộng còn người dân ở phường Khuê Mỹ không có một lối đi nào. Đáng nói là chẳng phải biển ở đây bẩn hay bị làm sao, thậm chí nơi này còn là khu biển đẹp nên các khu nghỉ dưỡng mới thuê đất làm dự án. Nhưng làm như vậy khách cao cấp thì được hưởng còn người dân thì phải “nhịn” sao?”, chị Lan Anh, một người dân ở đây đặt câu hỏi.

Bãi biển gần nhất với khu vực phường Khuê Mỹ có thể kể đến như bãi tắm Sơn Thuỷ, bãi tắm Ngũ Hành Sơn, bãi tắm Mỹ Khê. Tuy nhiên vào mỗi dịp du lịch hay dịp nghỉ hè, các bãi tắm này đều đông nghịt. “Trong khi đó gần 10 km bãi biển của phường bị bịt kín bởi các khu nghỉ dưỡng. Điều chúng tôi muốn là thành phố trả lại đường đi xuống biển có từ bao lâu nay cho người dân. Bãi biển là của chung chứ không thể bán hay cho ai thuê được”, ông Nguyễn Mai, người dân ở đây ý kiến.

Đường ven biển Đà Nẵng bị bịt kín bởi các dự án nghỉ dưỡng. Ảnh: TT

Vẫn phải đợi thêm 1 năm

Trước những bức xúc khi "dân thành phố biển đòi lối đi xuống biển", nhiều năm qua, người dân tại phường Khuê Mỹ nói riêng và chính quyền quận Ngũ Hành Sơn nói chung đã đề cập vấn đề này trong nhiều cuộc họp.

Năm 2016, Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 5 lối xuống biển. Trong đó, lối rộng nhất là 35m, lối nhỏ nhất là 3,5m, chủ yếu nằm giữa ranh giới các dự án ven biển. Theo tính toán của Sở Xây dựng, vốn đầu tư cho các lối xuống biển này mất khoảng 10 đến 15 tỷ đồng nên có thể đầu tư bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, thành phố lại có ý kiến nếu tư nhân có thể làm các lối xuống biển thì nên kêu gọi họ tham gia bởi ngân sách thành phố cũng có hạn mà lại phải chờ lâu. Vậy nhưng dân đợi mãi qua nhiều kỳ họp cũng chưa có lối đi nào!

Đầu tháng 12 vừa qua, tại buổi chất vấn kỳ họp thứ 6 khoá 9 của HĐND Đà Nẵng, Đại đức Thích Thông Đạo, đại biểu quận Ngũ Hành Sơn có nhắc lại vấn đề này và nêu rõ người dân cần câu trả lời cụ thể là bao giờ thì mở được lối xuống biển sau quá nhiều lần họp.

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong năm 2018, thành phố sẽ bố trí 10 tỷ đồng thực hiện. Riêng về vấn đề cử tri liên tục đề xuất thu hồi đất ở đường Hồ Xuân Hương để mở lối đi xuống biển vì cho rằng trước đây là lối đi truyền thống của nhưng sau đó lại giao cho doanh nghiệp quản lý, ông Hùng cho biết, tháng 3.2017, thành phố đã thống nhất không thu hồi phần đất này.

Đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi: “Với con số 8.000 mét vuông đất được giao cho doanh nghiệp quản lý mà thành phố không thu hồi một phần nào để làm lối đi xuống biển, vậy liệu có lợi ích riêng gì ở đây không?”. Ông Hùng lý giải, trước đây, Đà Nẵng có những khu đất giao doanh nghiệp quản lý không thu tiền chứ không riêng gì phần đất được nêu trên. Tuy nhiên việc này đến nay không còn phù hợp, Sở Tài nguyên Môi trường đang rà soát để thu tiền theo quy định.

"Từ cấp phường, cấp quận, đến Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội và nhiều cuộc họp của thành phố, vậy nhưng sau 2 năm phê duyệt, những con đường cho người dân xuống biển vẫn chỉ là "dự kiến" và nay người dân phải đợi thêm 1 năm nữa. Mong thành phố trả lời rồi thì làm, đừng thất hứa với dân", ông Nguyễn Mai, một người dân tại đây nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn