MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình vi phạm trật tự xây dựng số 70 Lý Thường Kiệt.

Người dân “tố” chính quyền địa phương chậm trễ trong xử lý sai phạm

PV LDO | 27/07/2018 07:00
Báo Lao Động nhận được đơn thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Hồng (70 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp tục tố cáo UBND phường Trần Hưng Đạo buông lỏng quản lý và không xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Công trình vi phạm trật tự xây dựng rõ ràng

Trong đơn gửi đến Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Hồng (70 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) tố cáo gia đình bà Lại Thị Châm và hộ bà Phạm Thị Biển (địa chỉ 70 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) xây dựng nhà sai phép. Mặc dù, UBND phường Trần Hưng Đạo đã có kết luận sai phạm rõ ràng nhưng đến nay công trình trên vẫn chưa bị “sờ gáy”.

Theo kết luận của UBND phường Trần Hưng Đạo ngày 3.4.2018 nêu rõ, UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép xây dựng tại số 70 Lý Thường Kiệt chấp thuận cho bà Lại Thị Châm được phép cải tạo xây dựng nhà ở hai tầng. Theo đó, diện tích tầng 1 và tầng 2 bằng nhau với 13,8m2, tổng chiều cao xây dựng công trình (tới cốt mái tầng 2) là 6m.

Qua kiểm tra hiện trạng thực tế vào ngày 7.3.2018 nhận thấy, gia đình này đang sử dụng nhà 3 tầng và 1 tum bê tông cốt thép và có lợp tôn, tầng 1 và tầng 2 có gác lửng. Như vậy, quy mô số tầng đang sử dụng so với được phép cải tạo là khác nhau.

Tại kết luận của UBND phường Trần Hưng Đạo khẳng định, nội dung tố cáo bà Lại Thị Châm ở số 70 Lý Thường Kiệt có hành vi xây dựng sai phép năm 2001 là đúng. Từ đó, căn cứ vào hồ sơ khai thác được về giải quyết vi phạm trật tự xây dựng hộ bà Lại Thị Châm đề xuất xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.

Đối với hộ gia đình bị tố cáo là bà Phạm Thị Biển, tại kết luận của UBND phường nêu rõ, ngày 1.2.2017, Tổ công tác tiến hành kiểm tra cho thấy gia đình bà Phạm Thị Biển hiện đang sử dụng nhà 3 tầng trên có lợp tôn.

UBND phường Trần Hưng Đạo qua kiểm tra hồ sơ quản lý trật tự xây dựng lưu tại phường không có hồ sơ liên quan đến việc xây dựng của hộ bà Phạm Thị Biển ở số 70 Lý Thường Kiệt. Bên cạnh đó, các căn cứ khác không xác định được quy mô xây dựng không phép, thời điểm xây dựng nên chưa đủ cơ sở để kết luận thời điểm hoạt động xây dựng của bà Phạm Thị Biển. Vì vậy, UBND phường tổng hợp hồ sơ báo cáo UBND quận xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

Phường có buông lỏng quản lý?

Trước kết luận của chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng bức xúc: “Công trình vi phạm đã được phường kết luận rõ ràng, tại sao chính quyền địa phương chưa vào cuộc xử lý ngay. Đến nay, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại dấy lên những bức xúc đối với người dân. Vậy có hay không chính quyền địa phương bao che cho vi phạm?”

Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo Phạm Sơn Hà cho biết: “Hiện nay, phường đang triển khai việc thiết lập hồ sơ, xin ý kiến các ban ngành xử lý trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên. Vi phạm xảy ra từ nhiều năm trước, phường phải đi tìm lại hồ sơ, sao nộp những giấy tờ, chứng cứ pháp lý”.

Nói về trường hợp vi phạm trật tự xây dựng của nhà bà Châm, ông Hà cho hay: “Với trường hợp bà Châm sai phạm có nhiều vấn đề như xây hết phần bếp, đổ lên nóc nhà vệ sinh, xây sai tầng từ năm 2002, 2003. Hiện nay, chúng tôi phải mời ban ngành xin ý kiến và hướng giải quyết”.

“Căn cứ quy định pháp luật của các thời kì vì thời điểm bà Châm xây dựng đã trải qua rất nhiều các văn bản qua định xử lý, xem xét có tiếp nối, kế thừa như thế nào để làm căn cứ xử lý”, ông Hà thông tin.

Việc để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng kéo dài trách nhiệm thuộc về ai, ông Hà trao đổi: “Trách nhiệm là chưa xem xét trách nhiệm. Trách nhiệm do cấp trên của tôi tính toán vì trải qua nhiều đời chủ tịch. Lúc ấy phải mổ xẻ lại. "Lơ mơ" trách nhiệm thuộc về người đã nghỉ chẳng hạn, vì thời điểm ấy phải xử lý và để tồn tại nhiều năm rơi vào quên lãng, đến thời điểm này bà Hồng mới khiếu nại”.

Trao đổi về trách nhiệm của chính quyền địa phương đương nhiệm khi không kịp thời phát hiện và xử lý sau khi có đơn tố cáo, ông Hà cho biết: “Trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ được cấp trên xem xét".

Bên cạnh đó, với trường hợp nhà bà Biển bị mất hồ sơ, đại diện UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết, nhà bà Biển đang củng cố hồ sơ, hồ sơ không có do nhiều năm rồi bị thất lạc. Trong đó, hồ sơ xây dựng bao giờ phường cũng phải báo cáo sang quận, như vậy phường có một bản; việc để mất hồ sơ thì công tác lưu trữ phường sẽ xem xét lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn