MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đặt ra mục tiêu xử lý chấm dứt vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Lê

Người dân TPHCM tiếp tục “chịu trận” vì loa kẹo kéo, hát karaoke ầm ĩ

Tuệ Nhi LDO | 04/02/2022 22:11

TPHCM - Dù sát Tết Nguyên đán, UBND TPHCM đã yêu cầu tăng cường công tác xử lý vi phạm tiếng ồn. Nhưng nhiều người dân vẫn ngày đêm “chịu trận” với thứ âm thanh kinh hãi phát ra từ những chiếc loa kẹo kéo hay việc hàng xóm hát karaoke ầm ĩ.

“Cắn răng” chịu đựng

Sống trong khu vực đường Phan Xích Long – nơi được xem như phố “ăn chơi” của TPHCM, bà Hảo (68 tuổi) ngày nào cũng bị tra tấn bởi tiếng ồn âm thanh. Bà kể, nhiều cửa hàng ăn nhậu trên tuyến đường này cứ chiều đến là thi nhau mở loa công suất lớn để thu hút khách.

“Các loa hoạt động từ chiều đến đêm khuya vẫn chưa dừng. Có hôm 3 giờ sáng tôi vẫn không thể ngủ được vì âm thanh ồn ào của quán bia rượu cùng tiếng hát karaoke ầm ĩ. Vốn tuổi đã cao, mắc nhiều bệnh nền, việc không ngủ được do ồn ào ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của tôi”, bà Hảo nói.

Không chỉ tiếng nhạc tại các cửa hàng, nhiều hộ dân cũng mở loa hát karaoke giải trí.

“Hết nhạc ở quán nhậu thì đến hàng xóm thi nhau mở loa. Bên thì nhạc sôi động, bên thì ca vọng cổ. Những âm thanh đá nhau không thể chịu nổi”, bà Hảo kể tiếp kèm theo đó là những cái lắc đầu.

Những chiếc loa kẹo kéo tại mọt quán nhậu trên đường Phan Xích Long. Ảnh: Tuệ Nhi

Nhiều hôm vì quá bức xúc, 23h, bà Hảo phải dậy để sang nhà hàng xóm gõ cửa nhắc nhở thế nhưng đâu rồi lại vào đó, hôm sau tình trạng hát hò vẫn tiếp diễn. Còn với khu vực quán nhậu, bà Hảo nói: “Tôi không dám ra nói vì mình già rồi, quán kinh doanh lại nhiều thành phần. Vợ chồng tôi đã từng gọi phản ánh lên đường dây nóng của thành phố nhưng họ bắt phải “chỉ rõ địa điểm, thời gian” chứ phản ánh chung chung cả dãy phố thì họ không giải quyết. Tình trạng chung các quán, liệt kê cũng chẳng hết. Chúng tôi lớn tuổi rồi cũng không biết thu thập bằng chứng như thế nào mà làm đơn”.

Cùng sống cùng khu với bà Hảo, bà Mỹ chỉ biết than phiền: “Thật khủng khiếp quá!”. Bà Mỹ cho hay: “Khi thấy UBND TPHCM chỉ đạo khẩn nếu có vi phạm tiếng ồn xử lý người đứng đầu địa phương tôi đã hy vọng từ nay bà con trong khu vực  tổ mình được sống yên ổn, không còn bị tra tấn bởi tiếng nhạc ồn ào về đêm từ những điểm kinh doanh ngoài đường Phan Xích Long nữa. Thế nhưng, đến nay chưa có cải thiện”.

Chia sẻ của bà Mỹ trong nhóm tổ dân phố sau khi TPHCM chỉ đạo khẩn về vi phạm tiếng ồn. 

Tình cảnh trên cũng vẫn diễn ra ở nhiều khu phố tại TPHCM. Một tiểu thương kinh doanh tại chợ Tân Định (quận 1) chia sẻ: “Kinh doanh ở mặt đường vốn đã đau đầu vì tiếng xe cộ, nay thêm những âm thanh xập xình của những chiếc loa kẹo kéo từ chiều đến đêm. Đầu chợ loa, cuối chợ cũng loa. Vì miếng cơm manh áo nên tôi cũng đành cắn răng chịu đựng. Không ai dám nói”.

Còn anh Vinh Phú (phường An Khánh, TP.Thủ Đức) kể: “Hàng xóm nhà tôi cũng có hát karaoke nhưng hát đến 21h thôi. Dĩ nhiên là tiếng hát cũng to, ở nhà mình vẫn nghe rõ như có sân khấu ca nhạc bên cạnh. Tuy nhiên, trong những ngày tết vừa qua, đa phần là nhạc xuân, mang đến không khí vui vẻ nên tôi thấy không ảnh hưởng gì. Nhưng nếu kéo dài và với gia đình có người lớn tuổi, trẻ em thì cũng cần phải thay đổi để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh”.

TPHCM yêu cầu xử lý nghiêm

Đầu tháng 1, UBND TPHCM đã ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn. Theo UBND TPHCM, thời gian qua, tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tại cộng đồng dân cư diễn ra tràn lan, phổ biến.

Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và môi trường đô thị, chất lượng sống của người dân.

Để quản lý hoạt động, kinh doanh dịch vụ gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường kiểm soát ô nhiễm, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, Thành phố Thủ Đức xử lý nghiêm nhóm hành vi có mối liên hệ với nhau: Tiếng ồn - phòng chống dịch bệnh COVID-19 - an ninh trật tự (trong đó có hành vi chống người thi hành công vụ).

Tiếng loa ầm ĩ cả khu vực chợ Tân Định (mặt đường Hai Bà Trưng). Ảnh: Tuệ Nhi

UBND TPHCM nêu rõ: Địa phương cấp huyện, xã nào để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng, chống dịch hoặc an ninh trật tự thì sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

Dẹp nạn tiếng ồn đô thị là nỗi mong chờ của người dân bao lâu nay. Tuy lãnh đạo TPHCM đã có văn bản thể hiện rõ quyết tâm dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn nhưng thực tế việc xử phạt còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, ông Lê Mạnh Hà cho biết, Công an thành phố tiếp nhận hơn 700 tin báo về hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt gây tiếng ồn. Lực lượng công an đã yêu cầu ngưng, nhắc nhở, buộc cam kết và ra quyết định xử phạt 59 trường hợp có hành vi vi phạm về gây tiếng ồn, với số tiền hơn 47 triệu đồng.

Lý giải về việc tiếp nhận nhiều tin báo vi phạm tiếng ồn nhưng xử phạt ít, ông Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM từng cho biết, do thời gian đầu chỉ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở sau đó mới xử lý vi phạm nên số lượng xử lý còn ít. Ngoài ra, nhiều trường hợp tin báo vi phạm tiếng ồn nhưng không đủ căn cứ để xử phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn