MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác thải sinh hoạt không được phân loại gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý.

Người dân ủng hộ sử dụng túi chuyên dụng thu gom rác

Trần Kiều LDO | 02/03/2020 17:36

Người xả rác nếu không sử dụng túi đựng rác chuyên dụng sẽ không được thu gom rác là một trong số những điểm mới trong Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến và được nhiều người dân Thủ đô quan tâm. 

Công tác phân loại, thu gom và xử lý rác tại các đô thị lớn như Hà Nội hiện nay vẫn còn theo cách tính bình quân hộ gia đình. Tức dù xả ít hay nhiều rác thì cũng chỉ nộp một giá tiền chung. Chưa kể đến việc phân loại rác thải tại nguồn cũng không được chú trọng. 

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), thay vì giữ hình thức cao bằng như trước đây, việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải của người dân sẽ được tính theo nguyên tắc: Người xả rác phải tự chịu chi phí xử lý, thu gom tại nguồn.

Nguyên tắc này được tính thông qua việc người dân sẽ phải mua bao bì chuyên dụng do nhà nước bán ra. Phí bán bao bì gồm phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Hộ gia đình không sử dụng bao bì đựng rác chuyên dụng sẽ không được thu gom rác. Hành vi xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng.

 Hành vi xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng. 

Theo ý kiến của nhiều người dân tại Thủ đô Hà Nội thì đây là dự thảo luật có tác dụng khuyến khích người dân phân loại rác thải ngay tại nguồn. Qua đó, tăng tính trách nhiệm với môi trường.

Ông Nguyễn Văn Trung (Minh Khai, Hà Nội) tham gia đóng góp ý kiến: "Việc người dân phải mua bao bì chuyên dụng và phân loại rác thải ngay tại nguồn không chỉ giảm gánh nặng cho các công ty vệ sinh môi trường mà đồng thời cũng là hành động giúp chính họ thấy được giá trị của môi trường sống". 

Đó cũng là ý kiến của bà Nguyễn Cẩm Hà (Ngõ 13 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội). Theo bà Hà, "đồng tiền đi liền khúc ruột". Nếu chỉ trông mong vào ý thức của mỗi hộ gia đình thì không thể hạn chế được lượng rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày. Do đó, dự thảo luật nên được triển khai một cách nhanh chóng, toàn diện và chặt chẽ.

"Sử dụng bao bì chuyên dụng để đựng rác sẽ là một hành động giúp quán triệt lượng túi nilon được thải ra môi trường hàng ngày. Mỗi người đều phải có trách nhiệm với những gì mình sử dụng hàng ngày hơn nữa, thay vì chỉ thải ra ngoài môi trường như thói quen" - bà Hà nói. 

Bên cạnh đó, một vài ý kiến cho rằng, họ đồng ý áp dụng dự thảo luật này trong tương lai. Tuy nhiên, tính khả thi thì cần phải xem xét và tăng cường truyền thông nâng cao ý thức hơn cho người dân. Đồng thời, giá cả và phân bố các điểm bán bao bì đựng rác chuyên dụng ra sao cũng cần phải tính toán hợp lý. Khi áp dụng vào thực tiễn, nên phổ biến cách thức thu gom, phân loại rác như thế nào cho người dân hiểu và làm được. 

"Không sử dụng túi đựng rác chuyên dụng sẽ không được thu gom rác, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng. Đây là một hình thức xử lý mạnh tay, đánh thẳng vào quyền lợi của người dân nên cần được áp dụng. Song nếu muốn người dân hiểu và làm theo thì cần phải có thời gian" - bà Nguyễn Trà My (50 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ. 

Ông Đào Ngọc Thạch (53 tuổi, ngõ 47 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội) tham vấn thêm: "Tôi tán thành với việc phân chia rác thải đối người dân Thủ đô để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên phải sử dụng túi chuyên dụng thì giá cả phải hợp lý. Dù nói màu sắc và giá cả của túi là khác nhau nhưng nếu đắt quá thì những sinh viên đang học tập ở Hà Nội cũng sẽ gặp khó khăn vì các em thu nhập không phải là cao nếu chưa nói đến việc còn phải dựa vào bố mẹ". 

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, hơn 70% lượng chất thải rắn được chôn lấp trực tiếp và chỉ có 30% còn lại là được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, mỗi loại rác sẽ đựng trong bao bì có màu sắc và giá tiền khác nhau. Chất thải sinh hoạt được phân loại thành 4 nhóm: Nhóm chất hữu cơ dễ phân hủy, nhóm có thể tái chế, nhóm chất thải cồng kềnh và nhóm chất thải phải xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn