Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Sau trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày, đến ngày 22.8.2022, 15 hộ dân (nằm gần mỏ khai thác đất sét của Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh) phải di dời khẩn cấp do nhà bị nghiêng, nứt, sụt lún.
Ngày 26.8.2022, sau khi có phương án hỗ trợ, Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh đã chuyển gần 460 triệu đồng cho UBND phường Giếng Đáy để chi trả tiền thuê nhà và hỗ trợ di chuyển cho các hộ dân đến nơi ở an toàn.
Để xác định nguyên nhân sạt lở, UBND TP Hạ Long đã giao Phòng Quản lý đô thị thuê đơn vị tư vấn độc lập, qua đó xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo đó, có 4 nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất tại khu vực: Do quá trình khai thác sét, do người dân xây dựng nhà trên mái taluy sạt trượt, do mưa nhiều và một phần do làm đường dẫn cầu Tình Yêu.
Tiếp đó, căn cứ vào kết quả nguyên nhân sạt lở, UBND phường và các phòng, ban chức năng thành phố cùng Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh và các hộ dân tổ chức đã tổ chức 4 cuộc họp trong năm 2024 để thống nhất việc khắc phục sự cố sạt lở đối với 15 hộ dân
Kết quả, các hộ dân đã đồng ý, chấp thuận sử dụng phương án do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố lập để làm cơ sở thống nhất với Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh về mức bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất do bị ảnh hưởng của sạt lở đất.
Đến nay đã có 13/15 hộ dân nhận tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất với tổng số tiền là 6.044.826.000 đồng từ Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh. Toàn bộ công trình đã được Công ty tổ chức tháo dỡ, di chuyển và đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.
Ông Lưu Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy, TP Hạ Long - cho biết: “Để có được kết quả này, UBND phường đã tổ chức rất nhiều cuộc họp mời UBMTTQ, các phòng ban liên quan, doanh nghiệp và người dân. Trên quan điểm người dân đứng ở vị trí doanh nghiệp, doanh nghiệp đứng ở vị trí người dân để xem xét thấu đáo vấn đề. Sau một thời gian kiên trì vận động các bên đã thống nhất phương án giải quyết”.
Vẫn còn những băn khoăn
Bên cạnh kết quả đạt được, người dân vẫn có phần băn khoăn bởi công ty mới hỗ trợ phần tài sản trên đất, còn phần diện tích đất ở đến giờ vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể.
Có nhà cấp 4 trên mảnh đất đã cấp sổ đỏ 46m2, sau khi sạt lở, gia đình chị Trần Thị Nhâm, tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, 51 tuổi phải đi thuê trọ gần 2 năm nay. Đến tháng 5 năm 2024 gia đình chị nhận tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất 210 triệu đồng từ doanh nghiệp, tiền hỗ trợ thuê nhà cũng bị cắt từ đó.
Chị Trần Thị Nhâm - cho biết: “Rất cảm ơn chính quyền địa phương, cơ quan báo chí vào cuộc giải quyết một phần nào những vướng mắc cho gia đình tôi. Nhưng cũng phải tâm sự thật, nhà có 4 khẩu, 2 cháu 1 nam, 1 nữ, một đứa 31 tuổi, 1 đứa 26 tuổi, đã đến tuổi xây dựng gia đình, mà cả nhà cứ đi thuê trọ như thế này không biết đến bao giờ. Rất mong chính quyền địa phương nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết cho gia đình, có thể là xây dựng nhà tạm hoặc đền bù đất và bố trí đất tái định cư cho chúng tôi, để gia đình sớm ổn định cuộc sống.