MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân vùng sâu vùng xa Đắk Lắk khốn đốn vì thiếu cầu dân sinh

BẢO TRUNG LDO | 30/03/2023 11:15

Đắk Lắk - Thời gian qua, cuộc sống cũng như việc lao động sản xuất của nhiều hộ dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Buôn Đôn gặp khó khăn do địa bàn thiếu nhiều cây cầu dân sinh. 

Trên địa bàn xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đang thiếu nhiều cầu dân sinh khiến cuộc sống nhiều hộ dân bị đảo lộn. Hằng ngày, họ phải đi đường vòng để lao động sản xuất vừa tốn kém vừa mất thời gian.

Ông Y Dhin Êban (buôn Ko Đung, xã Ea Nuôl) - chia sẻ: "Do chưa có cầu bắc qua suối nên vào mùa mưa, người dân trong phải đi vòng hơn 10 km để đến rẫy. Nếu có cầu qua suối thì bà con chỉ phải đi khoảng 3 đến 4 km là đến rẫy, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức. 

Lãnh đạo UBND xã Ea Nuôl xác nhận đã đề xuất xin dầm cầu cũ để về xây dựng mới hoặc tu sửa lại 3 cây cầu trên địa bàn. Nếu được chấp nhận sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời cũng tiết kiệm được một khoản kinh phí cho nhà nước.

Trước đó, sau khi tuyến tỉnh lộ 1 (đoạn qua huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được thi công và có chủ trương phá bỏ 7 cây cầu cũ, thay thế bằng các cầu mới, vào cuối tháng 2.2023, UBND xã Ea Bar và Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), đã có tờ trình gửi UBND huyện, đề nghị cấp huyện báo cáo đến UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giao thông Vận tải… hỗ trợ các dầm cầu cũ được tháo dỡ trên tuyến tỉnh lộ 1 cho 2 địa phương xây dựng 6 chiếc cầu dân sinh trên địa bàn. 

Đến đầu tháng 3.2023, UBND huyện Buôn Đôn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính tỉnh này xem xét đề nghị trên của UBND xã Ea Bar và Ea Nuôl. 

Theo UBND huyện Buôn Đôn, trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều cầu dân sinh, nhiều cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn cần phải được sửa chữa, thay thế hoặc xây dựng mới để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Số dầm cầu cũ được thay thế và thu hồi trên tỉnh lộ 1 còn tốt, có thể sử dụng để xây dựng các cầu dân sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên, dù các đơn vị liên quan đang tiến hành các công việc để xử lý tờ trình của UBND huyện Buôn Đôn thì một số cây cầu cũ trên tỉnh lộ 1 đã được tháo dỡ.

Một đoạn cầu bị phá bỏ để làm đường. Ảnh: Bảo Trung

Cụ thể, cầu số 3 (Km 11, giáp giữa xã Tân Hòa và xã Ea Nuôl) đã bị tháo dỡ hoàn toàn. Còn cầu số 2 (Km 7, xã Ea Nuôl) đã được loại bỏ lớp dầm bê tông trên mặt cầu. 

Hiện trường dự án. Ảnh: Bảo Trung 

Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk - xác nhận tờ trình của UBND huyện Buôn Đôn là chính đáng và đơn vị đang xúc tiến nhanh các công việc liên quan để xử lý theo quy định. Sở nhận thấy nguyện vọng của người dân và UBND xã, huyện là hợp lý nhưng cần làm đúng theo quy trình gửi UBND tỉnh cho chủ trương rồi cùng phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết. 

Đối với vấn đề tháo dỡ cầu thì đơn vị thi công đúng theo quy trình, đã làm đường thì phải dỡ cầu. Còn những tài sản sau khi tháo dỡ cầu vẫn còn đó, sẽ có bàn giao đầy đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn