MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dùng hoàn toàn có thể thoát khỏi gánh nặng phí SMS Banking. Ảnh: TL.

Người dùng chịu gánh nặng phí SMS Banking, vì đâu nên nỗi?

Thế Lâm LDO | 07/03/2022 06:45
Gánh nặng phí dịch vụ SMS Banking đã có cả chục năm trở lại đây nhưng mới trở thành “giọt nước tràn ly” những ngày gần đây. Gánh nặng đó hoàn toàn có thể định lượng được.

Sự định lượng có thể được tính ra bằng những bài tính đơn giản: Mức phí /tháng x số người dùng (thuê bao dịch vụ SMS Banking).

Đơn cử như đại diện một ngân hàng hé lộ: Nếu mức phí thuê bao trọn gói dịch vụ SMS Banking 11.000 đồng/tháng được áp dụng trong thời gian tới (sau cuộc gặp gỡ giữa đại diện các nhà mạng, Hiệp hội Ngân hàng và đại diện cơ quan quản lý), ngân hàng này mỗi năm phải chi phí cho dịch vụ SMS Banking hơn 2.000 tỉ đồng.  

Đó là gánh nặng được định lượng ra bằng con số do người tiêu dùng phải chi trả từ một ngân hàng. Ngoài ra còn nhiều ngân hàng khác nữa, và lượng thuê bao dịch vụ SMS Banking còn nhiều hơn nữa, theo đó chi phí các ngân hàng chi trả cho nhà mạng từ số tiền do khách hàng phải đóng cũng sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

“Giọt nước tràn ly” vừa qua phản ánh gánh nặng phí SMS Banking đến mức phi lý. Song mặt tích cực là, nó đã giúp phơi bày sự phi lý đó ra cho dư luận xã hội rộng rãi biết được, từ đó góp phần thay đổi suy nghĩ, nhận thức của các bên, từ cơ quan quản lý, nhà mạng, ngân hàng cho tới người dùng.

Mức phí SMS Banking cao được cho là do nhà mạng áp đặt. Tuy nhiên ngay cả một khi như thế, thì trong vài ba năm trở lại đây, người tiêu dùng/khách hàng sử dụng dịch vụ SMS Banking không phải là không có cơ hội - thậm chí là nhiều nữa đằng khác – thay đổi số phận của mình từ là nạn nhân của tình trạng phí phi lý thành người tiêu dùng thông minh không còn phải trả khoản phí đó nữa.

Mặt tích cực thứ hai, là bên cạnh việc thay đổi nhận thức để người dùng thoát được khoản phí SMS Banking phải trả lâu nay, người dùng còn được tự do, không còn bị ràng buộc/phụ thuộc vào một dịch vụ không thực sự cần thiết.

Và thứ ba, chính người dùng chứ không ai khác phát huy quyền tiêu dùng của mình, trong đó quyền lớn nhất là được lựa chọn theo sự tự do cá nhân với những loại dịch vụ cảm thấy nhiều tiện ích và có lợi cho bản thân về cả chi phí và chất lượng.

Lời giải đã có, thậm chí có từ lâu, đó là tiếp cận công nghệ, hay hiện nay thường được dùng với thuật ngữ có tính xu thế là chuyển đổi số.

Người tiêu dùng muốn được lợi cả về mặt chi phí và chất lượng, trước hết cần chuyển đổi số từ bản thân mình, từ cách thức sử dụng các loại dịch vụ từ nhỏ tới lớn, với cách trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ công nghệ theo cách thông minh nhất, chủ động nhất, có lợi nhất và cũng cho thấy sự tự do nhất có thể.

Chuyển đổi số, người dùng thoát khỏi gánh nặng hàng ngàn tỉ đồng, vậy thì tại sao không tiến hành và còn chần chừ gì nữa?

Chuyển đổi số từ bản thân, rất thiết thân và gần gũi với mỗi người tiêu dùng. Người chưa chuyển đổi số thì bắt đầu học hỏi, tiếp cận; còn người đã chuyển đổi số rồi thì nâng lên ở mức cao hơn.

Cho thấy, gánh nặng còn có phần do chính mỗi người dùng, bởi mỗi người dùng hoàn toàn có thể thoát khỏi gánh nặng chi phí đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn