MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người già ở miền núi mong mỏi tăng lương hưu

Xuân Xuân LDO | 09/06/2024 06:00

Hiện nay nhiều người cao tuổi ở miền núi đang phải tằn tiện chi tiêu với mức lương hưu hạn hẹp. Họ mong mỏi được tăng lương để có thể cải thiện đời sống, an dưỡng tuổi già.

Từng là một cán bộ, công tác ở UBND xã Cư Yên, huyện Lương Sơn từ năm 1975 và chính thức nghỉ hưu năm 2013, hiện nay, mức lương hưu mà ông Bùi Hồng Thuận (68 tuổi xóm Giếng Xạ, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn) nhận được chỉ hơn 3 triệu đồng.

Với đồng lương ít ỏi, lại đau ốm triền miên, thế nên dù đã có tuổi, hai vợ chồng ông vẫn phải cố gắng tăng gia, tận dụng khoảng vườn trống để trồng luống rau, chăn con gà, phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Còn tiền lương, chỉ đủ dành thuốc men.

Ông Thuận chia sẻ: "Vợ tôi ở nhà làm nội trợ nên không có lương hưu, mọi chi tiêu mua sắm, ma chay, cưới hỏi, đau ốm đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của tôi. Tôi lại lại mắc chứng thoái hoá khớp nên tháng nào cũng phải đi bệnh viện lấy thuốc đều, gần như lương đều đổ vào thuốc men cả".

Theo ông Thuận, với tình hình giá cả leo thang, dù sống ở nông thôn, nhưng bản thân ông phải sống rất tằn tiện chi tiêu tính toán làm sao hợp lí với mức lương hơn 3 triệu đồng ít ỏi.

Ông Thuận mong mỏi tăng lương hưu để cải thiện cuộc sống khó khăn như hiện nay. Ảnh: Minh Nguyễn

“Lộ trình và tỉ lệ tăng lương hưu của chúng tôi rất thấp, tôi mong rằng nhà nước tiếp tục quan tâm cải cách tăng lương để những người hưu trí vùng cao như chúng tôi để có thể đảm bảo một cuộc sống đầy đủ hơn”, ông Thuận nói tâm sự.

Bà Mai Thị Thoa (60 tuổi, tổ 7 phường Tân Thịnh - TP Hoà Bình) từng là công nhân của Công ty Lắp máy và Xây dựng số 10. Bà đã nghỉ hưu từ năm 2015 sau 33 năm công tác. Khi nghe tin từ 1.7 tới đây Nhà nước sẽ thực hiện cải cách tiền lương, số tiền lương hưu được đề xuất tăng ít nhất 15% khiến bà Thoa không khỏi vui mừng.

"Hiện nay, mỗi tháng tôi nhận 5 triệu lương hưu, dù không nhiều nhưng dù sao cũng thấy mình may mắn hơn rất nhiều người già không có lương hưu.

Thế nhưng giá cả thì ngày càng tăng mà lương lại không tăng, chưa kể chi tiêu ở thành phố đắt đỏ hơn ở nông thôn nên tôi cũng phải co kéo để làm sao có dư ra một ít, để phòng khi những lúc ốm đau hoặc ma chay, hiếu hỉ" - bà Thoa cho hay.

Bà Thoa không giấu được niềm vui khi nghe tin sắp cải cách tiền lương. Ảnh: Minh Nguyễn

Thế nhưng, do mức lương chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, người phụ nữ này chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện đi du lịch.

“Nếu sắp tới lương hưu được tăng tối thiểu 15% thì hưu trí như chúng tôi cũng bớt gánh lo tiền bạc và an tâm hưởng già” - bà Thoa phấn khởi.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó từ ngày 1.7.2024, là ngày chính thức cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Theo nghị quyết, từ 1.7.2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21.5.2018 của Trung ương khóa XII. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.

Cùng với cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Lương hưu được đề xuất sẽ tăng ít nhất 15%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn