MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn không muốn đóng BHXH bắt buộc

Mạnh Cường LDO | 09/08/2023 06:33

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tùy từng thời kỳ đưa dần lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trước mắt, tờ trình bổ sung nhiều nhóm đóng bắt buộc so với dự thảo ban đầu sau khi nhận ý kiến góp ý của các đơn vị.

Trong số các lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên thì chủ hộ kinh doanh có đăng ký, lao động làm việc theo chế độ linh hoạt, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố chiếm số lượng khá lớn. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này phần lớn lại không muốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chị Sen đã chuẩn bị từ trước cho tuổi già của mình bằng việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Mạnh Cường.

Chị Phạm Thị Sen (40 tuổi) - chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nam chia sẻ, bản thân ý thức rất rõ về tuổi già sức yếu nên đã mua bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 1 năm nay với mức đóng gần 400.000 đồng/tháng. Quyết định này được chị đưa ra khi chị thấy được cái lợi của việc có lương hưu.

“Sau này khi về già, tôi dự tính chỉ cần khoảng 1,5 triệu đồng tiền lương hưu nên không đóng quá nhiều. Vì tôi vẫn còn khoản thu buôn bán hàng ngày chắc cũng đủ sống, không cần thiết phải tham gia thêm bảo hiểm xã hội bắt buộc” - chị Sen nói.

Anh Phạm Trung Dũng (43 tuổi) - trưởng thôn tại một xã ở Hà Nam cho biết bản thân đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 5 năm nay. Đồng thời, anh cũng được Nhà nước cấp cho bảo hiểm y tế nên cũng không lo lắng nhiều khi xảy ra biến cố sức khỏe.

Theo đề xuất, người không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trước đó đã thuộc diện đóng bắt buộc, nay được đề xuất hưởng thêm quyền lợi ốm đau, thai sản.

Công việc áp lực, phụ cấp thấp nên nhiều trưởng thôn lo ngại tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ khiến cuộc sống khó khăn hơn. Ảnh minh họa: Trần Vương.

Anh Dũng cho rằng, chỉ cần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng vừa phải là an tâm, không lo lắng nhiều cho tuổi già sau này, vì ốm đau cũng có bảo hiểm y tế hỗ trợ.

Anh Dũng cũng cho biết, mức phụ cấp của trưởng thôn từ tháng 8 tăng lên gần 2,5 triệu đồng/tháng nhưng lại có vô vàn khoản phải chi trong cuộc sống. Nếu đóng thêm bảo hiểm xã hội bắt buộc, thu nhập của anh coi như hết thậm chí còn âm. Theo vị trưởng thôn này, với người nông dân thu nhập thấp, trong cuộc sống trước tiên cần bảo cơm ăn đủ no trước rồi mới tính đến chuyện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài ra, anh Dũng cho hay, trưởng thôn hưởng phụ cấp thấp nhưng áp lực công việc khá lớn. Bản thân anh cũng không biết cố gắng làm đến bao giờ: "Có thể sau này bận việc riêng hoặc mệt mỏi quá, xin nghỉ sớm là chuyện không thể tránh khỏi. Vì thế, tôi lo lắng nếu đóng bảo hiểm xã hội sẽ không theo đầy đủ rồi ảnh hưởng đến quyền lợi".

Anh Nguyễn Cường (28 tuổi) - người làm nghề tự do tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, công việc hiện tại của bản thân cũng chưa thực sự ổn định. Nhiều lúc khó khăn, anh chỉ muốn quay trở lại làm công việc văn phòng như trước.

Do đó, nếu bắt buộc người làm việc linh hoạt như anh phải tham gia bảo hiểm xã hội sẽ rất bất cập. Những lúc công việc không tốt, thu nhập thấp lại phải đóng thêm bảo hiểm xã hội sẽ khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn.

Một lý do nữa khiến nhiều người lao động là hộ kinh doanh cá thể, trưởng thôn, lao động làm việc theo chế độ linh hoạt khó chấp thuận tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đó chính là thiếu quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Cả chị Sen, anh Dũng và anh Cường đều khằng định, điều mà người lao động lo lắng nhất là thất nghiệp. Vì chẳng ai dám chắc công việc của mình sẽ thuận lợi cho đến cuối đời hay ngắn hơn độ tuổi nghỉ hưu là 60-62. Lúc vắng khách, ít việc hoặc áp lực phải bỏ việc, họ rất cần một khoản trợ cấp hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Theo chị Sen, ngoài bổ sung thêm chế độ thai sản như đề xuất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nên nghiên cứu bổ sung, gia tăng quyền lợi trợ cấp thất nghiệp. Đề xuất chi tiết các lợi ích, đảm bảo tính thiết thực mới thu hút được nhiều người lao động tham gia trong sự đồng tình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn