MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong học nghề, tìm việc làm

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/03/2023 16:56
Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam” do Ủy ban Quốc gia Về người khuyết tật Việt Nam, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 21.3, tại Hà Nội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức cho biết: Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên.

Trong đó, có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động.

Người khuyết tật tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh.

Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp: 41.01% người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ; số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%.

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp là chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.

Ông Đức đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn trong tạo việc làm cho người khuyết tật. Đó là số lượng người khuyết tật được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Cùng với đó, trình độ học vấn của nhiều người khuyết tật còn thấp, cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình khiến cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của người khuyết tật còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người khuyết tật…

"Điểm sáng là chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, toàn diện, với các quy định ưu tiên, trợ giúp người khuyết tật trong học nghề, tạo việc làm; trợ giúp các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình" - ông Đức nhận định. 

Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tô Đức trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Lương Hạnh. 

Theo ông Đức, tại Quyết định 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt chỉ tiêu đến năm 2030 có 300.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm.

Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Thực tế cho thấy, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, Chính phủ đã bố trí ngân sách gần 10 tỉ đồng để dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19.000 người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, xóa nghèo, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn