MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa từ Internet

Người lao động có muốn tăng tuổi nghỉ hưu?

Trịnh Hoàng Sơn LDO | 20/11/2016 12:49
Mọi người bàn bạc, đóng góp ý kiến, biểu quyết... về việc có nên tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, nhưng lại không hỏi ý kiến người lao động.

Mấy ngày nay, nhiều diễn đàn xôn xao về chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu của ngành lao động. Phe khen nhiều, phái chê cũng không ít. Nào là: - Phù hợp với xu thế của thế giới, dẫn chứng Nhật Bản, rất nhiều người cao tuổi vẫn đang làm việc, một cụ ông 92 tuổi vẫn nướng bánh truyền thống bán cho khách du lịch, 60 tuổi nghỉ nhưng 65 tuổi mới được hưởng lương hưu…; - Lãng phí tài nguyên nguồn nhân lực, bởi không ít trong số những lão bà 55 tuổi, lão ông 60 tuổi vẫn rất sung sức.

Đã có vài trường hợp đến tuổi nghỉ vẫn làm đơn xin tiếp tục cống hiến nhưng không được giải quyết; - Phải bình đẳng giới mới xứng với xã hội văn minh. Nữ giới không cần ưu tiên khi cho nghỉ sớm; - Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang dân số già, người đóng sẽ ít hơn người hưởng, do đó nhiều khả năng sẽ vỡ quỹ; - Sẽ không tăng đột ngột mà có lộ trình hợp lý, trước mắt là 55 lên 58 đối với nữ, nam thì 60 lên 62, giai đoạn sau sẽ tăng tiếp…

Hình như những ý kiến trên đều là xuất phát từ nhà quản lý và định tính, chưa thấy trình bày nghiên cứu định lượng trực tiếp từ phía người lao động, bởi chính họ mới là đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của chính sách. Mục tiêu chính của chủ trương này, theo người viết, lẽ ra phải là nâng cao năng lực, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế - xã hội, nhưng qua các ý kiến hiện đang dẫn dư luận thì hình như ẩn phía sau là việc cân đối quỹ mới là mục tiêu chính.

Nếu quả thực như vậy, trước khi xây dựng đề án, cần công khai các thông tin mang tính kỹ thuật như: - Mức đóng quỹ hưu trí và tử tuất 14% tiền lương tháng của người lao động (trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%) là cao hay thấp, nhiều hay ít, so với quốc gia nào ? - Sử dụng quỹ này cho những việc gì, trong đó mức chi hưu trí và tử tuất ra sao, kết quả của thời gian qua thế nào …  Sau đó, việc bắt buộc phải làm là khảo sát nguyện vọng của người lao động với phương pháp nghiên cứu khoa học về đối tượng điều tra, kích thước mẫu, địa bàn lấy mẫu, phương pháp xử lý số liệu.

Ở Pháp mấy năm trước, mới chỉ 1 nghị sĩ trình dự luật về tăng tuổi hưu, dân chúng đã biểu tình phản đối rần rần. Ở ta, 1 phóng sự gần đây của VTV về nhu cầu làm thêm giờ của công nhân một số khu công nghiệp, tất cả đều trả lời: muốn làm thêm, muốn không giới hạn 200 giờ/năm như luật định, nhằm có thêm tiền để trang trải những nhu cầu khác của cuộc sống.

Cần phải hiểu theo nghĩa thực là lương thấp quá, không đủ sống, phải làm thêm. Bởi nếu thu nhập đủ trang trải những nhu cầu cơ bản: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh, giải trí... có lẽ chẳng ai muốn làm thêm ngoài giờ, kể cả giáo viên dạy thêm, bác sĩ mở phòng mạch tư. Đó mới là bản chất của vấn đề.

Một thực tế khác ít thấy đề cập là người lao động không có động lực để làm việc tiếp nữa. Người viết đã nhiều lần cố công tìm hiểu lý do xin nghỉ hưu sớm trước tuổi - gọi vui là hưu khuyến mãi - của nhiều công chức, viên chức, điểm chung là chán. Bởi lương khu vực này còn thấp hơn ở doanh nghiệp, tương lai mờ mịt, tranh giành quyền chức và hàng đống những mâu thuẫn phát sinh từ trước đó mà không thể chịu đựng nổi được nữa. Và họ xin, họ chủ động, tự nguyện nghỉ.

Một số thì nghỉ hẳn, sống tiếp bằng lương hưu và tiết kiệm tích cóp được. Một số tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp gia đình, thân hữu, tham gia quản lý, phụ giúp con cái. Số khác chuyển sang làm tư vấn thuê cho các doanh nghiệp tiếng tăm nhờ các mối quan hệ cũ. Và đa số loay hoay trong vòng luẩn quẩn không biết làm gì, bởi sau 50 tuổi tay chân đã yếu, bộ nhớ đã đầy, khó có thể tiếp tục học hành để nắm bắt những xu thế mới (nhiều người bị loại sớm bởi không biết sử dụng máy tính, dốt tiếng Anh, hay quên, chậm chạp, ngại khó, ỳ do quán tính). Nhìn chung, không khí khá ảm đạm.

Còn nữa, nếu kinh tế - xã hội không phát triển, việc làm sẽ không tăng, người già còn làm sẽ lấy mất cơ hội của người trẻ. Còn nữa, nếu luôn đảm bảo nguyên tắc “đóng nhiều, hưởng nhiều” thì người lao động sẽ an tâm, say mê, cống hiến.

Còn nữa, nếu nhà quản trị giỏi thì khó có khả năng mất cân đối quỹ, bởi bản chất của bảo hiểm là lấy số đông bù đắp cho số ít. Tóm lại, cần nhiều nghiên cứu trước khi tăng tuổi hưu và ý kiến của người lao động mới là quyết định.

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn