MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Công ty cổ phần Viglacera Từ Liêm tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân.

Người lao động đề nghị giải quyết về chế độ trợ cấp thôi việc

Bảo Hân LDO | 11/11/2020 16:47

Hai người lao động vừa có đơn đề nghị gửi đến Báo Lao Động liên quan đến việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc của Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đối với mình.

Trong đơn gửi đến Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Dung, nguyên là công nhân xưởng Tạo hình thuộc Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm cho biết, bà có thời gian làm việc như sau: Từ tháng 12.1995 đến tháng 7.1999, bà làm việc tại Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng; từ tháng 8.1999 đến tháng 9.2002, bà làm việc tại Nhà máy gạch Từ Liêm – Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng; từ tháng 10.2003 đến tháng 12.2008, bà làm việc tại Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm.

Theo bà Dung, vừa qua, Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm có chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà, nhưng chỉ trả thời gian từ tháng 10.2003 đến tháng 12.2008, còn thời gian từ tháng 8.1999 đến tháng 9.2003, công ty nói là bà làm ở Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng nên không chi trả cho bà. Theo bà, Công ty phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho cả thời gian từ tháng 8.1999 đến tháng 9.2003 chứ không chỉ từ tháng 10.2003 đến tháng 12.2008.

Tương tự, ông Trần Văn Tuân có đơn phản ánh: Từ tháng 11.1998 đến tháng 9.2003, ông làm việc tại Nhà máy gạch Từ Liêm – Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng; từ tháng 10.2003 đến tháng 12.2008, ông làm việc tại Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm.

Theo ông Tuân, tháng 3.2020, Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm có chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông, nhưng chỉ trả thời gian từ tháng 10.2003 đến tháng 12.2008, còn thời gian từ tháng 11.1998 đến tháng 9.2003, công ty nói ông làm ở Công ty gốm xây dựng Hữu Hưng nên không chi trả cho ông.

Để có thông tin 2 chiều, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi làm việc với ông Lưu Văn Hưng – Giám đốc Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm.

Ông Hưng xác nhận công ty chỉ chi trả trợ cấp thôi việc cho 2 người lao động trên cho quãng thời gian làm việc tại Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm, còn quãng thời gian người lao động làm việc cho Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng, công ty không chi trả.

Lý giải nguyên nhân, ông Hưng cho biết: Điều khoản về trợ cấp thôi việc là điều khoản rất nhân văn, nhưng do công ty đang quá khó khăn, vì vậy công ty chỉ trả phần trách nhiệm của mình (thời gian người lao động làm việc tại công ty), còn quãng thời gian trước đó người lao động làm việc tại Công ty Cổ phần gốm Hữu Hưng thì người lao động chia sẻ với công ty.

“Nếu công ty “ăn nên làm ra” thì có thể thanh toán (số tiền trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian người lao động làm ở Công ty gốm xây dựng Hữu Hưng), nhưng do công ty đang gặp về khó khăn tài chính nên không có nguồn trả”- ông Hưng nói. Cụ thể, theo ông Hưng, công ty đang tạm dừng sản xuất từ cuối năm 2019.

Ông Hưng cũng cho biết, đã hướng dẫn người lao động cầm quyết định chi trả tiền trợ cấp thôi việc đến Công ty Cổ phần gốm Hữu Hưng để đòi số tiền trợ cấp thôi việc cho quãng thời gian người lao động làm việc tại công ty này.

Điều 48 Bộ Luật lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn