MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân chờ đợi tại Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh.

Người lao động háo hức về quê vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ

LƯƠNG HẠNH - THU THẢO LDO | 01/09/2023 16:37

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh là kỳ nghỉ dài cuối cùng của người lao động trong năm 2023. Trong khi những người khác đã trở về từ ngày hôm qua (31.8) thì hôm nay ngày 1.9, nhiều lao động thu xếp đồ đạc, trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình.

3 tháng đến Hà Nội làm việc, anh Lò Văn Thoa, 56 tuổi rệu rã ngồi xuống ghế nhà chờ Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) sau khi di chuyển giữa trời nắng.

Trưa nay, anh Thoa đã vội vã sắp xếp hành lý, bắt xe ôm ra bến xe để về quê ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá. 4 ngày nghỉ lễ là cơ hội để anh được quây quần bên gia đình sau 3 tháng xa quê hương.

Đây là dịp để anh Thoa đoàn tụ với gia đình sau 3 tháng làm việc tại Hà Nội. Ảnh: Thu Thảo.

Điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình còn nhiều thiếu thốn nên anh chấp nhận lên Hà Nội, một mình kiếm sống bằng nghề cứu hộ bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

“Xa gia đình cũng vất vả, nhớ vợ nhớ con nhưng tôi vẫn phải cố gắng. Thời tiết mát mẻ nhưng khá nắng, chờ đợi xe mệt mỏi nhưng tôi háo hức được về bên gia đình”, anh Thoa tâm sự.

Nhiều người đến bến xe Yên Nghĩa từ sớm để tránh cảnh chen chúc và tắc đường. Ảnh: Thu Thảo.

Còn chị Đinh Thị Thuỷ (quê Vĩnh Phúc) có mặt tại Bến xe Mỹ Đình từ trưa ngày 1.9. Con trai chị Thuỷ được hơn 2 tuổi, sức khoẻ không được tốt nên chị Thuỷ phải cho con đi khám vào sáng nay. Đó là lí do khiến chị không thể trở về quê vào sáng sớm, còn chồng chị ở Thủ đô tiếp tục đi làm.

Hai vợ chồng với con nhỏ sinh sống, làm việc tại Hà Nội với mức thu nhập chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Dịp này, chồng chị Thuỷ cố gắng kiếm thêm tiền, lo cho gia đình.

Chị Thuỷ nói: “Nếu về quê bằng xe taxi sẽ tốn khoảng 1,2 triệu đồng cho 2 chiều cả đi cả về nên tôi chọn đi xe khách".

Các chuyến xe buýt tăng cường phục vụ người dân về quê dịp lễ. Ảnh: Thu Thảo.

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2.9 là dịp nghỉ dài nhất còn lại trong năm nay của người lao động. Do đó, nhiều người rời Thủ đô về quê, đi du lịch, thăm người thân, bạn bè nên ngay từ chiều ngày 31.8 nhiều tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô bắt đầu xảy ra hiện tượng ùn tắc.

Đến sáng ngày 1.9, hiện tượng này vẫn chưa giảm xuống. Trong số đó, nhiều người lao động với các ngành, nghề, công việc khác nhau trông ngóng các chuyến xe cập bến, để họ có mặt tại quê nhà càng sớm, càng tốt.

Nhiều người ngồi ở quán nước vỉa hè để tránh nóng trong lúc đợi xe. Ảnh: Thu Thảo.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, tại Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP Hà Nội), người dân ngồi chờ đến giờ lên xe khá đông đúc. Nhiều người đã di chuyển đến bến xe từ sáng sớm nhưng đến giữa trưa vẫn không tránh khỏi cảnh chen chúc. Tình trạng đông đúc diễn ra tương tự tại Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình đông đúc người dân di chuyển. Ảnh: Lương Hạnh.

Ông Doãn Anh Pháp, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình dự báo, trong kỳ nghỉ lễ này, bến xe sẽ đón khoảng 15.000 lượt khách/ngày vào ngày cao điểm, tăng lên hơn 250% so với ngày thường, chủ yếu tập trung đi các tuyến đường: Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang…

Ngoài công tác chuẩn bị, Bến xe Mỹ Đình cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (Tổ Công an bến xe, Công an phường Mỹ Đình II, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an thành phố Hà Nội) xây dựng phương án phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên toàn bến.

Bến xe Mỹ Đình sẽ đón khoảng 15.000 lượt khách/ngày vào ngày cao điểm. Ảnh: Lương Hạnh.

Phối hợp với lực lượng của phòng nghiệp vụ Công an thành phố tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển chất nổ, chất cháy, hàng cấm, cò mồi, dắt khách…

“Lượng khách có nhu cầu về quê tại bến xe khá đông. Đến thời điểm hiện tại, bến xe vẫn đảm bảo được các tiêu chí cho khách hàng như giá vé, phương tiện phục vụ khách và an ninh tại bến”, ông Pháp chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn