MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đoàn Thanh Tùng (bên phải) với luật sư đại diện Prudential tại tòa sáng 26.4.

Người lao động kiện Công ty bảo hiểm cho nghỉ việc trái pháp luật ra tòa

Hữu Long LDO | 26/04/2019 15:16
Cho rằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó và không vi phạm bất cứ kỷ luật gì nhưng vẫn bị cho nghỉ việc, người lao động đã khởi kiện Prudential ra tòa.

Sáng 26.4, TAND TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lao động về việc: “Yêu cầu tuyên bố quyết định cho nghỉ việc trái pháp luật, yêu cầu hủy bỏ quyết định miễn nhiệm chức vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Người khởi kiện là ông Đoàn Thành Tùng, nguyên Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam  (Prudential)  và bị đơn là Prudential Việt Nam.

Đẩy người lao động vào thế khó?

Trong đơn kiện, ông Đoàn Thanh Tùng trình bày, ngày 15.10.2007, ông được Prudential ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn 1 năm.  Ông Tùng giữ chức danh chuyên môn Chuyên viên điều hành Văn Phòng khu vực (Trưởng văn phòng) trong nhiều năm qua. Theo quy định, sau thời hạn 1 năm, HĐLĐ của ông Tùng tự động trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Ngày 16.3.2018, tại TP.HCM, đại diện Prudential bất ngờ  tuyên bố giải thể bộ phận Truyền Thông Tích Hợp và thông báo cho 21 nhân viên nghỉ việc. Trong ngày này, Prudential cũng ra Quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng đại diện tại Đắk Lắk đối với ông Tùng.

Mặc dù mời ông Tùng và nhiều người lao động đến thông báo nghỉ việc nhưng trước đó một ngày (15.3), Prudential đã ra Quyết định về việc “Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương”.  

Trong quyết định cho nghỉ việc này, Prudential căn cứ vào Bộ Luật Lao động; căn cứ vào Nội quy làm việc của công ty và Căn cứ vào Hợp đồng lao động ký vào ngày 15.10.2008 giữa Prudential và ông Đoàn Thanh Tùng.

Về việc này, ông Tùng không đồng ý với căn cứ để cho người lao động nghỉ việc của Prudential.

“Tại sao Prudential lại chỉ căn cứ vào Bộ Luật Lao Động mà không nêu rõ các điều, khoản cụ thể của luật để người lao động được rõ. Còn nữa, tôi chưa bao giờ ký hợp đồng lao động với Prudential Việt Nam vào ngày 15.10.2008” – ông Tùng bức xúc.

Ngày 25.4.2018, Prudential Việt Nam chính thức ra Thông báo chấm dứt Hợp đồng Lao động đối với ông Tùng.  Cho rằng việc Prudential ra quyết định cho nghỉ việc trái pháp luật nên ông Tùng đã nộp đơn kiện công ty này ra TAND TP. Buôn Ma Thuột.

Cho nghỉ việc để tái cơ cấu tổ chức?

Không riêng ông Tùng, nhiều người là trưởng đại diện tại một số tỉnh, thành làm việc cho Prudential cũng đồng loạt bị chấm dứt hợp đồng và miễn nhiệm chức vụ Trưởng văn phòng đại diện. Quá bất ngờ, họ cùng làm đơn kiến nghị tập thể gửi đến lãnh đạo công ty.

Ngày 16.4.2018, ông Stephen James Clark -  TGĐ Prudential Việt Nam, đã có văn bản trả lời đơn kiến nghị tập thể của những người bị cho nghỉ việc.

Theo đó, người đứng đầu Prudential Việt Nam lý giải việc miễn nhiệm chức vụ trưởng văn phòng đại diện/ giám đốc chi nhánh… đã được thực hiện trên nhu cầu hoạt động kinh doanh cũng như tình hình nhân sự của Prudential  tại từng thời điểm…

Trước phản ánh của người lao động, bà Đoàn Trúc Khê – Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Prudential giải thích, sau khi Prudential có thông báo tái cơ cấu tổ chức, nhân sự công ty,  CĐCS đã có văn bản xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên cơ sở.

“Sau khi có ý kiến của Công đoàn cấp trên cơ sở, chúng tôi đều đã thông báo về cho đoàn viên. Việc này đều có biên bản và giấy tờ cả” – bà Khê thông tin.

Liên quan đến vụ kiện của ông Đoàn Thành Tùng với Prudential Việt Nam, tại phiên toà sáng nay, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã ra quyết định tạm dừng phiên tòa để “cần xác minh, thu thập bổ sung tài liệu mà nếu không thực hiện thì  không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện ngay tại phiên tòa”.

Theo tìm hiểu, TAND TP. Buôn Ma Thuột đến nay đã nhận được 4 đơn khởi kiện  Prudential của người lao động vì cho rằng công ty này cho nghỉ việc trái pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn